Cuối cùng anh biểu dương chúng tôi, trong cái khó ló cái khôn. Một kế
hoạch đánh địch bằng thế kết hợp với đánh địch bằng mưu trí dùng lực đã
được hình thành. Tôi tin là chúng ta nhất định thắng lợi.
Ngày hôm sau anh Trần Văn Trà tạm biệt chúng tôi trở lại Lộc Ninh để
bàn tiếp kế hoạch tiến công vào Sài Gòn đang đi vào giai đoạn hoàn chỉnh
cuối cùng, kịp điều hành các lực lượng tham chiến có định hướng chung mà
triển khai công việc cụ thể.
Sau khi tiễn đồng chí tư lệnh Bộ chỉ huy Miền, chúng tôi hối hả bắt tay
vào công việc, để sao cho cái ngày N và giờ G theo cách đánh mới mà
Quân đoàn quyết định dành cho địch lại là một bất ngờ vào phút cáo chung
của chúng.
Rạng sáng ngày 15/4/1975, thực hiện quyết tâm chiến đấu mới của Quân
đoàn, pháo 130 ly bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa, thì cũng là lúc Sư
đoàn 6 (Quân khu 7) được tăng cường Trung đoàn 95 (của Bộ) từ Gia Kiệm
tổ chức hiệp đồng tiến công tiêu diệt chiến đoàn 52 (sư đoàn 18) và một chi
đoàn thiết giáp giải phóng ngã ba Dầu Dây và đoạn cuối cùng của đường 20
từ Túc Trưng đến Kiệm Tân, lập tuyến phòng thủ vững chắc ở khu này; tổ
chức đánh bại nhiều cuộc phản kích của địch từ Trảng Bom nống ra, đẩy lùi
chúng xuống Bầu Cá, buộc quân đoàn 3 địch phải ngừng phản kích cứu
nguy cho Xuân Lộc.
Tại thị xã Xuân Lộc, trong thời gian ta chuẩn bị chuyển hướng tiến
công, không có trận đánh lớn nào xảy ra ở đây, địch chủ quan, cho rằng
“Việt cộng đã hết hơi”, thì như có phép lạ, phối hợp với hướng Dầu Dây -
Núi Thị, Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 đồng thời nổ súng. Từ chủ quan, ngạo
mạn đến hoảng loạn, bị động, trước các đợt tiến công liên tục của ta. Hai
chiến đoàn 43, 48 (sư đoàn 18) bị ta đánh tan và diệt một phần lữ đoàn 1 dù.
Không chiếm lại được ngã ba Dầu Dây, lại mất toàn bộ đường 20, Biên
Hòa trở thành điểm tiền tiêu nhưng không còn mấy lực lượng để phòng thủ.