Hàng nghìn cán bộ chiến sĩ cửa sư đoàn đã chuyển ngành đi tham gia
xây dựng khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà
Nội), sứ Hải Dương, khu công nghiệp Việt Trì, mỏ a-pa-tít Lao Cai, cho đến
các nông trường Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên Phủ và tham gia xây dựng
sân bay Nội Bài.
Từ năm 1958, các đơn vị trong sư đoàn lần lượt bỏ công sức, trí tuệ tự
xây dựng doanh trại của mình. Dọc đường quốc lộ số 2 từ Đa Phúc đến Phổ
Yên, Lương Sơn, Lưu Xá, Phú Bình (Bắc Thái) trên những quả đồi hoang
lúp xúp những cây sim mua cằn cỗi trước đây nay mỗi ngày lại có thêm khu
nhà mới, mái ngói đỏ tươi tường vôi trắng xóa. Cuộc sống quân ngũ cũng
có những thay đổi mới. Đã có sự thanh bình êm ả, có tối thứ bảy và ngày
chủ nhật thư nhàn, thoải mái, có nơi tiếp đón gia đình lên thăm, có phòng
riêng nhỏ xinh cho đôi vợ chồng trẻ hưởng tuần trăng mật. Đã có chế độ
nghỉ phép và sĩ quan hết giờ làm việc được về ăn nghỉ tại nhà riêng gần khu
doanh trại. Niềm vui lâng lâng mà sâu đậm ấy, rõ nét ấy, vây quanh và thâm
nhập vào mình mà vẫn cứ ngỡ ngàng, vì cách đó ít lâu, những người lính
chúng tôi phải vượt qua bao gian khổ, chịu đói, chịu rét vượt qua sông Thao
đánh vào tuyến phòng thủ sông Đà của địch, vượt qua đèo Pha Đin tiến
công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mấy ai nghĩ có ngày hôm nay.
Riêng tôi đã lập gia đình và sinh được năm cháu. Ngoài bận rộn công
việc của một sư đoàn trưởng kiêm bí thư Đảng ủy sư đoàn, cũng đã có điều
kiện hòa nhập vào cuộc sống đời thường với đủ thứ ước mơ khát vọng rất
xa mà cũng rất gần. Có lúc thư nhàn nói chuyện thật riêng của hai người, có
phút giây âu yếm cưng nựng con, thủ thỉ bao hy vọng khi con khôn lớn. Có
giờ thanh thản nghe ca nhạc và sân khấu truyền thanh, cùng vợ con đến nhà
hát xem biểu diễn văn nghệ, xem phim tình yêu.
Và có những chuyến nghỉ phép về thăm quê nội, quê ngoại, gặp mặt
làng xóm, người thân hàn huyên kỷ niệm xưa.