Những ngày thanh bình như thế đến với chúng tôi thật ngắn ngủi. Có
một suy nghĩ khác, cuộc sống khác bắt đầu hình thành từ năm 1960, đan
xen vào các công việc thường ngày, cứ tăng dần theo thời gian. Trong sinh
hoạt chính trị đã có vấn đề nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; trong
xây dựng thao trường huấn luyện, kết cấu tưởng định diễn tập tham mưu và
diễn tập thực binh đều đưa xen thực tế chiến trường miền Nam để cán bộ,
chiến sĩ tập xử lý.
Mùa xuân 1963 chúng tôi được sống lại với không khí chuẩn bị chiến
đấu năm xưa. Ngoài kia thị trấn Phổ Yên vẫn êm ả, con đường xe hỏa Hà
Nội - Quán Triều song song với đường số 3 là cảnh “ngựa xe như nước”, thì
trong doanh trại sư đoàn bộ đang tính toán kế hoạch hành quân, đưa một
tiểu đoàn mạnh gồm sáu trăm cán bộ, chiến sĩ bí mật vượt sông Bến Hải
vào tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Mùa xuân 1964, tiểu đoàn
thứ hai của sư đoàn nhận nhiệm vụ vào chiến đấu tại chiến trường Khu 5.
Ngày 1/1/1964 Bác Hồ về thăm sư đoàn. Trước lúc ra về Bác ghi vào sổ
vàng truyền thống của đơn vị:
“Toàn sư đoàn có nhiều tiến bộ. Chúc năm mới, Bác dặn mấy điểm:
1. Ra sức làm tròn nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và tham gia đấu tranh
thống nhất nước nhà.
2. Thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng quân đội năm 1964.”
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến điều Bác dặn, “luôn luôn sẵn sàng chiến
đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho”.
Ngày 27/3/1964, Bác Hồ triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, động viên
toàn dân đoàn kết một lòng kiên quyết chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai,
giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cùng ngày Đảng bộ sư đoàn
chúng tôi họp đại hội lần thứ tư, tất cả đều nhất trí xác định toàn sư đoàn
chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, sẵn sàng lên đường chiến đấu.