thành thật, vẻ mặt hắn liền tươi tỉnh trở lại.
– Thế mà tôi cứ phải chết đấy! - Hắn nói (hầu như hắn muốn nói thêm
thế này: “Một người như tôi đây mà phải chết!”), - và hẳn ngài không
tưởng tượng được là gã Gania của ngài đã làm phiền tôi không ít, gã phản
đối cái giả thuyết cho rằng dăm ba bốn kẻ từng được nghe lời “Chúc ngôn”
của tôi sẽ chết trước tôi lắm. Thử nghĩ mà xem! Gã cứ cho rằng nói thế sẽ
an ủi được tôi đấy. Ha ha, điều trước tiên là mấy người đó chưa ai chết hết,
mà cho rằng họ có chết đi nữa thì ngài thử nghĩ cái chết đó nó an ủi được
tôi ở cái chỗ nào chứ? Gã đã đoán xét kẻ khác theo ý riêng của gã, nhưng ở
đây gã còn đi xa hơn mức đoán xét, rốt lại chỉ là một sự sỉ nhục tôi đấy
thôi. Gã bảo trong những trường hợp tương tự, một con người có tư cách sẽ
yên lặng mà chết, rằng mọi chuyện ồn ào đó chẳng có nghĩa gì hơn là vì tôi
ích kỷ đấy thôi. Cứ tưởng tượng xem! Không đâu, sự thật thì chính gã mới
ích kỷ. Nghe ra thì thật là lọc lừa lắm, nhưng ngài có thể nói trắng ra rằng
đó chỉ là cái thói ích kỷ ngoan cố, lố bịch vô tả! Đến nỗi gã không thể nhìn
thấy được chính gã! Này hoàng thân, ngài có đọc sách nói về cái chết của
gã Stepan Glebov
ở thế kỷ 18 chưa? Tình cờ tôi đọc được truyện đó
ngày hôm qua đây.
– Stepan Glebov nào?
– Một kẻ bị chết đâm dưới triều Piot’r Đại đế.
– Ô, lạy Chúa, tôi biết rồi! Ông ta đứng suốt mười lăm tiếng đồng hồ
trên trụ xử hình giữa sương lạnh, vai quàng áo lông, chết với thần thái dũng
cảm tuyệt vời. Có, tôi có đọc truyện ấy rồi. Nhưng ý chú muốn nói gì về
chuyện ấy vậy?
– Chính Chúa đã ban cho lắm người một cái chết vinh quang như thế,
nhưng Ngài từ khước không ban cho chúng ta. Hẳn Ngài nghĩ rằng tôi
không đủ bản lĩnh để chết như Glebov chứ gì?
– Ồ không, nào tôi có nghĩ như vậy đâu, - hoàng thân bối rối nói. - Ý tôi
chỉ muốn bảo rằng… tôi không có ý bảo chú giống nhân vật Glebov, thế
nhưng chú… nên đặt mình vào thời đại ấy…