đã tổ chức buổi dạ tiệc ấy trong vòng giản dị, thân mật, chỉ mời “những
người bạn trong nhà” thôi, số người này cũng không bao lăm. Ngoài bà cụ
Belokonskaia ra, còn có một mệnh phụ phu nhân một viên chức rất quan
trọng. Phía giới trẻ, người ta chỉ mời Evgeni Pavlyts, chàng này tháp tùng
bà cụ Belokonskaia.
Hoàng thân hay tin bà cụ Belokonskaia đến từ ba hôm trước đó, nhưng
về bữa tiệc này thì chàng mới được biết vào hôm trước thôi. Đã hẳn, ngài
nhận thấy mọi người trong gia đình này có dáng tất bật, và bằng vào những
lời lẽ bóng gió xa gần lộ vẻ lo lắng, chàng biết rằng họ sợ cho chàng không
thể tạo được một ảnh hưởng khả dĩ với quan khách. Nhưng mọi người
trong gia đình Epantsin, không trừ ai, chẳng hiểu sao lại cho rằng vì hoàng
thân quá thật thà, chất phác nên chắc chẳng bao giờ chàng đoán ra được
mọi người đang lo lắng không yên vì có chàng đâu. Thực tình chàng không
mấy chú trọng đến sự việc sắp xảy ra ấy; chàng đang mải ưu tư về một
chuyện khác hẳn: Đó là cứ mỗi lúc, Aglaia lại đâm ra nhiễu sự và buồn sầu
hơn; chính đó mới là điều làm tan nát lòng chàng. Khi hay tin Evgeni
Pavlyts cũng được mời tới, chàng hân hoan lắm và cho biết chàng đã ao
ước gặp lại chàng ta từ lâu nay rồi. Không hiểu sao, chẳng ai thích lời
chàng nói đó cả. Aglaia hầm hầm bỏ đi, mãi đến khuya, đâu gần mười hai
giờ, hoàng thân sắp sửa ra về, nàng mới thừa dịp nói riêng với chàng đôi lời
lúc tiễn chân chàng ra cửa:
– Tôi muốn mai ngài đừng đến lúc ban ngày mà đợi tối hẵng tới, vì lúc
đó, quan khách đã có mặt đông đủ cả rồi. Ngài đã biết ngày mai chúng tôi
tiếp khách đấy chứ?
Nàng nói với giọng điệu nóng nảy và nghiêm nghị, đó là lần thứ nhất
nàng đề cập với chàng về buổi “dạ tiệc” đó. Riêng nàng, nàng không sao
chịu nổi cái ý nghĩ phải tiếp khách tại nhà. Nàng tỏ vẻ muốn cãi nhau to với
cha mẹ nàng về chuyện ấy, nhưng tự ái cũng như tính nết na đã giữ nàng lại
được. Hoàng thân hiểu ngay rằng nàng cũng sợ cho chàng (nhưng vẫn
không muốn nhận là có), thế rồi đến lượt chàng cũng đột nhiên đâm ra sợ
hãi.