– Vâng, tôi có được mời dự, - chàng đáp.
Rõ ràng Aglaia thấy khó mà đi xa hơn nữa được.
– Ít ra thì cũng một lần trong đời ngài, người ta có thể bàn chuyện đứng
đắn với ngài được chứ? - Tự nhiên nàng đâm ra giận quá, nàng cũng chẳng
hiểu tại sao, thế nhưng nàng vẫn không thể tự chủ được.
– Ồ, cô cứ nói, tôi đang nghe cô đây… tôi rất lấy làm sung sướng được
nghe cô đây, - hoàng thân lắp bắp.
Aglaia yên lặng một phút nữa, rồi nàng lên tiếng với giọng đầy ác cảm:
– Tôi không muốn đôi co với mấy người ấy về vụ này, họ không chịu
lắng nghe lẽ phải đã nhiều lần lắm rồi. Có lắm nguyên tắc maman tôi chấp
theo cứ bắt tôi muốn lộn ruột. Tôi miễn nói về papa, ta chẳng thể đòi hỏi ở
ông được điều gì. Đã hẳn maman là một phụ nữ cao quý, ngài cứ thử đề
nghị với bà một chuyện gì bất xứng thử xem, ngài sẽ thấy ngay. Thế mà bà
lại khúm na khúm núm trước những kẻ… tồi tàn như vậy đó. Tôi không có
ý ám chỉ riêng mỗi Belokonskaia: Bà ta là một mụ già giẻ rách với tính khí
giẻ rách thôi; nhưng bà thật khôn khéo và biết cách nắm trọn được bọn đó
trong tay bà… ít ra đó cũng là phần tốt của bà ta. Ôi, thật là bần tiện quá!
Và thật thậm nực cười! Chúng ta là lớp người trung lưu mãi mãi, hết sức là
trung lưu, tầm thường! Tại sao chúng ta lại cứ muốn trèo lên cái xã hội
thượng lưu làm gì chứ? Các bà chị của tôi đang làm chuyện chơi trèo đó;
chính hoàng thân S. đã làm họ điên đầu hết rồi. Tại sao ngài lại hớn hở khi
biết gã Evgeni Pavlyts đó sẽ đến chứ?
– Nghe đây, Aglaia ạ, - hoàng thân nói. - Tôi có cảm tưởng rằng cô sợ
cho tôi ngày mai sẽ “gãy” trước mặt quan khách chăng?
– Sợ cho ngài ấy à? - Aglaia kêu lên, mặt nàng tím hẳn lại. - Tại sao tôi
lại phải sợ cho ngài? Cho dù ngài có… ngài có làm nhục mặt ngài đi nữa
thì cũng có can gì đến tôi đâu! Làm sao ngài có thể dùng thứ ngôn ngữ như
thế được? “Gãy” là nghĩa gì? Đó là một tiếng tục tằn, thô lỗ mà.
– Đó là ngôn ngữ… của học trò đấy.