Có thể ông chú nay đã ngoài sáu mươi nên tính cách đáng sợ ấy đã vơi đi
một nửa như cây cải bị ướp muối, nhưng ngày còn trẻ ông quá là thô lỗ và
cục cằn. Có lẽ cụ bà trong lúc mang thai ông đã ăn rất nhiều thịt cầy nên bị
quả báo chảng. Tin đồn lan đến tận làng bên, không có cô gái nào muốn lấy
người chồng có tính tình thô lỗ như thế, vả lại ông cũng chẳng có ý định lấy
vợ. Đúng là số phận an bài, không để ảnh hưởng đến làng nước, ông bỏ nhà
đi biệt tích mấy năm rồi đột nhiên xuất hiện khiến những người trong họ
từng gièm pha phải chột dạ.
Cụ bà qua đời trước, sau đó cụ ông mắc bệnh hiểm nghèo chống chọi với
nhiều tai biến rồi cũng đi theo cụ bà, khi ấy ông chú vừa bước sang tuổi bốn
mươi. Người ta đã nghĩ rằng ông là người không thể gắn bó với nơi đây, cha
mẹ mất thể nào cũng lập tức bán đất bán nhà rồi cao chạy xa bay. Nhưng
ông chú đã bỏ ngoài tai những lời bàn tán của mọi người, sống ở ngôi nhà
ấy cho đến tận năm ngót bảy mươi tuổi mà vẫn không chịu chuyển đi đâu.
Một mình ông đã chăm sóc vườn nho đó.
Hồi ông nội của Ji Hyeon còn sống, trong nhà có việc lớn việc nhỏ, vài
năm ông chú lại đến thăm hỏi một lần, nhưng từ khi ông nội qua đời thì hầu
như ông chú không còn liên lạc.
“Bốn năm trước lúc hay tin bà thím hai qua đời, nhà mình có xuống Kim
Cheon thăm hỏi, mới đó mà đã bốn năm. Nhưng sao chú lại biết số điện
choại mà gọi nhỉ? Nhưng dù sao cũng là chuyện tốt. Chú nói sẽ giao vườn
nho cho Ji Hyeon mà. Nói là một nhẽ, nhưng tin hay không lại là chuyện
khác.” Ông Hyeong Nam nghĩ bụng.
“Có điều cháu muốn hỏi rằng sao chú lại muốn giao vườn nho cho riêng
Ji Hyeon nhà cháu?”
“Lúc thím hai mất, Ji Hyeon cũng về phải không?”
“Dạ phải ạ, cháu có đưa nó theo.”
“Nó bao nhiêu tuổi rồi?”
“Năm nay hai mươi sáu rồi, chú ạ!”