Spencer sẵn sàng tiếp thị cho những mặt hàng này. Lý Quang Diệu viết: “Có lẽ
là trông tôi trên ti vi quá đau khổ tuyệt vọng nên ông ấy (Sieff) mới bỏ thời gian
để tìm gặp tôi. Tôi cảm ơn ông ấy nhưng không có thương vụ nào xuất phát từ
cuộc gặp này.”
***
Tuy chán nản như vậy nhưng Lý Quang Diệu lúc đó vẫn đang xây dựng một
tầm nhìn chiến lược mà cuối cùng đã làm bùng phát Phép màu của Singapore.
Lạ thay, cảm hứng đó không bắt nguồn từ Nhật Bản hay các nước có tốc độ tăng
trưởng kinh tế nhanh khác ở châu Á mà lại xuất phát từ Israel. Lý Quang Diệu
ấn tượng trước cách mà nhà nước Do Thái đã xây dựng một nền kinh tế phồn
vinh trong lúc phải đối mặt với sự tẩy chay hoàn toàn của các nước Ả Rập láng
giềng. Israel đã làm được điều đó bằng cách gắn mình với Mỹ và châu Âu. Lý
Quang Diệu cho rằng Singapore nên theo đuổi một chiến lược tương tự để
“nhảy cóc” qua khỏi các nước khác như ông hoạch định. Chiến lược đó đòi hỏi
phải có một sự thay đổi trong sự công nghiệp hóa. Trước khi tách khỏi
Malaysia, những nỗ lực phát triển công nghiệp của hòn đảo Singapore đều dựa
trên cơ sở kế hoạch phát triển các ngành sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu
nhằm phục vụ cho một lượng dân đông hơn của liên bang. Sự độc lập của
Singapore làm cho kế hoạch này trở thành vô dụng. Thay vào đó, Lý Quang
Diệu đã ứng dụng một chương trình hướng đến xuất khẩu theo kiểu của Nhật,
nhắm tới mục tiêu bán được hàng hóa tại các thị trường khổng lồ của những
nước công nghiệp. Tuy nhiên, khác với Nhật Bản và Hàn Quốc, Singapore
không thể phát triển những công ty của riêng mình đủ nhanh để xuất khẩu cho
phương Tây. Lý Quang Diệu viết: “Nếu chúng tôi chờ đợi các thương nhân của
mình học hỏi để trở thành những nhà công nghiệp thì có lẽ đến lúc đó chúng tôi
đã chết đói rồi.”
Thế nên, câu trả lời là phải tìm người khác tạo ra những
công ty và thị trường cho Singapore.
Tư duy này đã dẫn dắt Lý Quang Diệu đến con đường theo đuổi nguồn vốn
đầu tư nước ngoài. Ông suy tính những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ trên thế
giới (multinationals – MNC) có thể là người cung cấp vốn, tạo công ăn việc làm
và đào tạo nhân lực đúng theo những gì mà Singapore đang cần. Các MNC này