tầm ảnh hưởng đến các vấn đề thế giới nhiều hơn so với những gì mà họ đã có
suốt hàng trăm năm qua, có lẽ là từ thế kỷ 14, khi các đại hãn Mông Cổ thống trị
suốt từ Moscow, qua Baghdad đến Quảng Châu. Lần đầu tiên, các thị trường
chứng khoán tại Hồng Kông và Thượng Hải đã trở thành cơ sở quyết định điều
gì xảy ra tại phố Wall. Những tuyên bố của lãnh đạo các ngân hàng trung ương
tại Tokyo và Bắc Kinh gần như cũng được theo dõi chặt chẽ giống như tuyên bố
của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Các nhà đầu tư châu Á đã trở thành
những nhân vật quan trọng trong các thị trường chứng khoán, tiền tệ và bất động
sản toàn cầu. Đi cùng với quyền lực kinh tế đó chắc chắn là quyền lực chính trị.
Được hậu thuẫn bởi những nền kinh tế đang tăng trưởng, các quốc gia châu Á
đang theo đuổi những lợi ích chiến lược của mình một cách xông xáo hơn so với
những gì mà họ đã làm trong nhiều thế kỷ trước. Sự háo hức tìm kiếm các
nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ đã làm dấy lên cuộc cạnh tranh dữ dội đối
với các nguồn năng lượng và nguyên liệu thô toàn cầu. Các nước châu Á đã phát
động một cuộc tấn công ngoại giao từ các phòng họp lớn tại Mỹ cho đến các thủ
đô của châu Phi. Trung Quốc đặc biệt phô trương sức mạnh ngoại giao và tài
chính mới của mình trong các vấn đề quốc tế then chốt như biến đổi khí hậu, tự
do hóa thương mại, không phổ biến vũ khí hạt nhân và nhân quyền. Sự thần kỳ
là chiều hướng đơn lẻ quan trọng nhất trong lịch sử thế giới kể từ cuối Chiến
tranh Thế giới thứ II với tác động kéo dài và sâu rộng tới tương lai hơn cả sự tan
rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu hay cuộc chiến chống khủng bố.
Tại Mỹ và châu Âu, sự nổi lên của châu Á đã khiến người ta lo sợ rằng khu
vực này sẽ lấn át, làm lu mờ vai trò của phương Tây. Nhà sử học người Anh
Niall Ferguson viết rằng “sự đi xuống tương đối của phương Tây sẽ trở thành
điều tất yếu” một khi châu Á hiện đại hóa và kết quả “không có gì khác hơn là
thế giới sẽ thay đổi chiều hướng”.
Suốt 30 năm qua, các chính trị gia, các nhà
báo và các nhà kinh tế học đã cảnh báo về mối đe dọa đến từ châu Á. Clyde
Prestowitz, một nhà đàm phán thương mại sau chuyển thành học giả chống tự
do thương mại, đã liên tục dự báo từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20 rằng một
châu Á đang lên sẽ tiêu diệt nền kinh tế Mỹ. Kẻ đi chinh phạt đầu tiên được cho
là Nhật Bản và sau đó mối đe dọa chuyển sang Trung Quốc và Ấn Độ. Năm
2005, Prestowitz viết: “Dù nhanh hay chậm, các lực lượng vốn đem lại sự giàu
có thịnh vượng và quyền lực cho châu Á cũng sẽ mang đến cho phương Tây hậu