quả khủng hoảng và yêu cầu đòi hỏi phải điều chỉnh đau đớn. Xa dần vị trí dẫn
đầu trong cuộc hành quân tiến tới tự do toàn cầu, Mỹ có thể rồi sẽ cảm thấy khó
khăn trong việc gìn giữ một mức sống vừa phải và bảo vệ những quyền lợi sống
còn của mình”. Prestowitz cảnh báo độc giả Mỹ rằng các điều kiện xảy ra “sự
kiện 11/9 trong kinh tế” có thể đã định hình.
Dù chúng ta cần phải giữ tâm lý hoang mang sợ hãi này theo đúng quy luật
phát triển của nó – chẳng hạn như nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn chưa bằng ¼
qui mô của nền kinh tế Mỹ – nhưng cũng không thể chối cãi được rằng trong vài
chục năm nữa, Mỹ sẽ phải đương đầu với một châu Á sở hữu một quyền lực
kinh tế càng ngày càng lớn. Không phải phương Tây “đi xuống” mà là phương
Đông đi lên. Sự vươn lên của châu Á đang tạo ra một thế giới mà ở đó nền kinh
tế thế giới sẽ có không chỉ một cường quốc thống trị. Nhà kinh tế học Jeffrey
Sachs viết năm 2004: “Khi trọng tâm kinh tế của thế giới chuyển sang châu Á,
sự độc tôn thống lĩnh của Mỹ chắc chắn sẽ bị thu hẹp. Thế kỷ 21 có thể sẽ là
một giai đoạn phát triển phồn thịnh và tiến bộ khoa học chưa từng có tiền lệ
nhưng có thể cũng là một thời kỳ mà Mỹ sẽ phải học làm quen với việc trở
thành một trong nhiều nền kinh tế thành công thay vì là một quốc gia không thể
thay thế được của thế giới”.
Trong một báo cáo có nhiều ảnh hưởng vào năm
2003, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã dự báo, vào năm 2041, Trung Quốc
sẽ soán ngôi vị là nền kinh tế lớn nhất thế giới từ Mỹ. Ấn Độ có thể sẽ qua mặt
Nhật Bản vào năm 2032, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Goldman cho
rằng đến năm 2050, hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ kết hợp lại sẽ lớn hơn
gấp đôi qui mô nền kinh tế Mỹ. Báo cáo của Goldman kết thúc bằng một câu
hỏi đơn giản nhưng thật đáng ngại: “Bạn đã sẵn sàng đón nhận điều này chưa?”.
Phép màu đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Đến năm 2050, Trung
Quốc sẽ giành ngôi vị nền kinh tế lớn nhất toàn cầu từ Mỹ; Ấn Độ đeo bám phía
sau không bao xa.