đầu tư cho công nghiệp. Ngoài ra, tất cả các nước và vùng lãnh thổ vốn đã bước
vào Phép màu trong những giai đoạn đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,
Hồng Kông và Singapore đều mang hơi hướm Nho giáo. Tuy nhiên, khi Phép
màu trải rộng ra khắp châu lục, các xã hội chịu ảnh hưởng bởi nhiều luồng văn
hóa ngày càng đa dạng, từ cộng đồng theo đạo Hindu của Ấn Độ, các tín đồ Hồi
giáo của Malaysia cho đến những người theo đạo Phật ở Thái Lan, cũng đạt
được thành tựu tương tự. Các nền văn hóa của châu Á quá đa dạng đến nỗi
không thể kết cụm lại với nhau. Vì vậy, không thể cho rằng toàn bộ Phép màu
được sinh ra nhờ một nền văn hóa hay một tập hợp những tập quán văn hóa bất
kỳ nào. Hơn hết thảy, luận điểm văn hóa này đã sụp đổ tan tành khi được đặt
vào bối cảnh lịch sử. Nho giáo đã đóng vai trò là trụ cột trong nhiều xã hội châu
Á suốt nhiều thế kỷ qua nhưng nó không ngăn chặn được châu Á, đặc biệt là
Trung Quốc – cái nôi của Nho giáo, thoát khỏi sự tụt hậu rất xa so với phương
Tây trong lĩnh vực phát triển kinh tế và công nghệ. Châu Á đã phải làm một
điều gì đó, một điều gì mới, để khiến cho Phép màu xảy ra.
Trường phái tư duy thứ hai khẳng định đó chính xác là cách mà Phép màu đã
được tạo ra. Châu Á đã xây dựng những chính sách và thể chế kinh tế siêu việt
và độc đáo giúp đem lại sự tăng trưởng ngoạn mục cho khu vực. Điểm chính
trong lập luận này là vai trò đặc biệt mà nhà nước nắm giữ trong phát triển kinh
tế. Thay vì tiếp nhận tư tưởng tự do kinh doanh thuần túy của Mỹ, hầu hết các
chính phủ châu Á đều can thiệp vào những nền kinh tế của mình theo nhiều
cách mà kinh tế học kinh điển cho là không khôn ngoan và tiềm ẩn nhiều tai họa
thảm khốc. Sai lầm nặng nề nhất của các chính phủ là đóng vai trò trực tiếp
phân phối các nguồn lực trong nền kinh tế, một nhiệm vụ mà theo các nhà kinh
tế học là tốt nhất nên để cho các thị trường vô tư không thiên vị đảm nhận. Giới
chức quan liêu của chính phủ “chọn ra những kẻ chiến thắng” bằng cách lựa
chọn những lĩnh vực, ngành nghề nhất định để nuôi dưỡng rồi sau đó nghĩ ra
một cách kết hợp nhiều chính sách lại với nhau để hỗ trợ và thúc đẩy sự tăng
trưởng của những kẻ chiến thắng đó. Các chính phủ châu Á quản lý khu vực tài
chính và đầu tư, đẻ ra những ngân hàng đặc biệt và thiết lập những hệ thống
quản lý thương mại nặng tính thiên vị để biến những ngành nghề, lĩnh vực được
chọn (trong một số trường hợp là những công ty tư nhân) thành những đối thủ
cạnh tranh toàn cầu xuất sắc nhất. Vì có nhiều chính phủ châu Á theo đuổi