với nền kinh tế. Sau đó, ông giám sát việc triển khai các dự án này tỉ mỉ đến
từng chi tiết. Tạp chí Time đã từng có lần tặng cho ông biệt hiệu “Nhà hoạch
định tổng thể”.
Tuy nhiên, khác với những thành tựu đạt được của Park, những công trình của
Mahathir chưa bao giờ trở thành những đấu thủ có sức mạnh cạnh tranh toàn
cầu như ông hằng mong đợi. Không có một POSCO nào ở Malaysia; Proton
không thành công như Hyundai. Điều gì đã sai? Một phần của vấn đề trong các
dự án của Mahathir, vai trò của nhà nước nặng nề hơn so với các ngành công
nghiệp mục tiêu của MITI hay các doanh nghiệp do chaebol dẫn đầu của Park
Chung Hee. Điều này làm mất đi một số nhân tố cấu thành của nguyên tắc quan
trọng giúp cho “mô hình châu Á” hoạt động. Xét về mặt này, những dự án của
Mahathir giống như những nỗ lực lạc hướng của Habibie ở Indonesia. Nhưng
Mahathir cũng đem lại một bài học hiếm có về phát triển. Yếu tố then chốt trong
tất cả mọi câu chuyện về Phép màu là giới lãnh đạo của mỗi nước đều đặt vấn
đề phát triển kinh tế thành ưu tiên hàng đầu của mình và theo đuổi điều đó với
một đầu óc thực dụng và sự linh hoạt kỳ lạ, cho phép họ có thể thay đổi chính
sách sao cho thích ứng với nhu cầu của từng thời điểm. Mahathir cũng cảm nhận
giống như vậy nhưng sở dĩ ông theo đuổi mục tiêu tăng trưởng nhanh còn vì
một động cơ khác mà theo ông cũng quan trọng không kém: nâng cao vị thế của
cộng đồng người Mã Lai trong xã hội đa văn hóa của Malaysia. Mahathir là một
phần của một trong những cuộc thử nghiệm cải biến xã hội lớn nhất lịch sử hiện
đại. Cộng đồng người Mã Lai là nhóm dân tộc chiếm đa số tại Malaysia nhưng
họ cũng là tầng lớp nghèo nhất. Trong khi đó, hầu hết lĩnh vực kinh doanh đều
do cộng đồng người Hoa nhập cư thiểu số kiểm soát. Mahathir và nhiều nhà
lãnh đạo Malaysia tiền nhiệm đã triển khai đủ mọi kiểu đan xen chặt chẽ vào
nhau nhằm cố gắng “uốn nắn lại” tình hình bằng cách mở rộng vai trò của người
Mã Lai trong nền kinh tế. Tăng trưởng là một phần then chốt của nỗ lực này.
Tuy nhiên, những lợi ích gặt hái được từ tăng trưởng lại bị bẻ dồn, ưu ái cho
một nhóm xã hội hơn những nhóm khác. Mahathir không chỉ là một người theo
chủ nghĩa dân tộc giống như nhiều nhà lãnh đạo khác của Phép màu mà ông còn
là một nhà hoạt động chính trị người Mã Lai. Đôi khi, trong lúc theo đuổi những
vấn đề thiên vị cho cộng đồng người Mã Lai, ông đã đưa ra những quyết định
làm hại đến công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế Malaysia.