Tuy nhiên, chương trình tư nhân hóa cũng bị vướng hỏa lực chỉ trích.
Mahathir đã gây ra nhiều vấn đề rắc rối vì kết hợp một chính sách dựa trên
nguyên lý kinh tế học đúng đắn với một chương trình xã hội không hợp lý. Hầu
hết số tài sản nhà nước bị tư hữu hóa cuối cùng đều nằm trong tay của người Mã
Lai.
Mahathir không bao giờ từ bỏ ước muốn tạo ra một lớp doanh nhân ưu
tú người Mã Lai. Ông chỉ thay đổi các phương pháp để đạt đến một mục tiêu.
Khát khao không đổi của ông trong việc nâng cao vị thế cộng đồng sắc tộc của
mình đã đẩy nỗ lực tư nhân hóa vào chỗ bị cáo buộc là chủ nghĩa bè phái thân
quen (cronyism). Tài sản của nhà nước được bán cho một nhóm khá nhỏ các
doanh nghiệp và nhà quản lý. Có lúc những thủ tục bán bớt từng phần các doanh
nghiệp nhà nước cho tư nhân diễn ra một cách mờ ám, hiếm khi được thông báo
công khai.
Có lúc, các doanh nghiệp thân quen tự đề xuất thỏa thuận với
chính phủ.
Với tư cách là bộ trưởng Tài chính, Daim là người đóng vai trò
then chốt đối với chương trình này
, và vì các thỏa thuận cần phải được nội
các thông qua nên cuối cùng Mahathir cũng gật đầu. Kết quả là, giới chỉ trích
quả quyết cho rằng các hợp đồng và tài sản đều rơi vào tay những công ty và
doanh nhân có mối quan hệ chính trị thân thiết với chế độ Mahathir. Mahathir và
Daim phủ nhận cáo buộc cho rằng có tồn tại những giao dịch bất chính như vậy.
Cả hai cho biết những thứ có vẻ giống như chủ nghĩa bè phái thực ra là quyết
định thương mại có cơ sở. Mahathir lập luận, các dự án thì lớn, các công ty thì
phức tạp trong khi chỉ có vài doanh nhân trong nước có đủ kỹ năng và kinh
nghiệm quản lý chúng một cách thành công. “Chúng tôi phải lựa chọn rất cẩn
thận người nào sẽ đảm nhận các dự án. Chúng tôi phải tìm ra người có khả
năng,” Mahathir than phiền. “Vào lúc bạn phát hiện ra một ai đó thì anh ta sẽ trở
thành người quen của bạn!”
Doanh nhân nổi tiếng nhất và gây nhiều tranh cãi nhất trong số những doanh
nhân được ưu ái là người suốt ngày phì phà xì gà Halim Saad. Vốn trước đây
xuất thân là một nhân viên kế toán không tên tuổi, Halim được Daim nâng đỡ
lên làm quản lý các công ty có liên quan đến UMNO vào giữa thập niên 80.
Năm 1987, một tranh chấp chính trị xảy ra buộc UMNO phải nhả các công ty
kinh doanh của mình ra. Thông qua một loạt các giao dịch, Halim cuối cùng
kiểm soát nhiều công ty trong số đó với tư cách là nhà đầu tư tư nhân. Một trong
những tài sản béo bở nhất là một tập đoàn kỹ thuật mang tên United Engineers