Proton là một cơ hội để thúc đẩy NEP và mục tiêu Malayu Baru của ông. Các vị
trí nhân sự trong Proton sẽ được lấp đầy bởi những người Mã Lai ham tiếp thu
những kiến thức chuyên môn quản lý và công nghệ mà ông cho là cộng đồng
người Mã Lai đang thiếu.
Năm 1985, chiếc xe hơi đầu tiên do Proton sản xuất, chiếc Saga, đã xuất
xưởng. Khác xa với chiếc xe hơi do Malaysia tự sản xuất mà Mahathir đã hình
dung, chiếc Saga đơn giản chỉ là bản sao của một mẫu xe hơi Mitsubishi hiện
hành.
Tuy nhiên, Mahathir vẫn nhìn ngắm nó một cách tự hào. Công ty
Proton hàm ơn Mahathir đã tặng cho ông chiếc xe đầu tiên xuất xưởng. “Tôi
cảm giác như mình được minh oan,” Mahathir nhớ lại. Chiếc xe chứng tỏ rằng
“chúng tôi đã đi đến đích, rằng chúng tôi có thể làm những gì mà chúng tôi đã
hứa sẽ làm”.
***
TUY NHIÊN, bất chấp những nỗ lực của Mahathir, nền kinh tế Malaysia đã
rơi vào tình trạng trì trệ nghiêm trọng vào giữa thập niên 80. Năm 1985, tốc độ
tăng trưởng của nền kinh tế rơi xuống chỉ còn 1%.
Sự tăng trưởng của
Malaysia vẫn còn phụ thuộc vào việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản như dầu
cọ và cao su, trong khi giá cả của các mặt hàng này trên thế giới giảm mạnh.
Xuất khẩu của Malaysia vào năm 1985 thấp hơn 40% so với mức mà các nhà
hoạch định chính sách đã kỳ vọng. Trong một bài công kích kịch liệt thuộc loại
tiêu biểu của mình, Mahathir, đã cáo buộc phương Tây thao túng giá cả gây
phương hại đến thế giới đang phát triển. Trước đó, trong một bài diễn văn năm
1980, ông đã gọi việc mua bán hàng nông sản trên các thị trường trao đổi
thương mại toàn cầu là một “trò dơ bẩn”.
Nhưng, bên cạnh những lời chỉ trích gay gắt, Mahathir cũng nhận ra rằng nền
kinh tế cần phải được cải tổ thật sự. Chính vào thời điểm này, ông đã thể hiện
suy nghĩ thực dụng bất ngờ đó. Xa rời con đường trước đây của mình, Mahathir
bắt đầu tự do hóa nền kinh tế một cách táo bạo.
Cộng sự của ông trong nỗ lực này là một doanh nhân khác người tên là Daim
Zainuddin, người đã trở thành bộ trưởng Tài chính vào năm 1984. Daim lớn lên