sức mạnh còn chưa phô diễn hết” để trao tận tay bức thư cho các nhà lãnh đạo
Nhật “bất chấp hậu quả ra sao”. Để chứng minh cho lời nói của mình, hai ngày
sau, Perry cho chiếc chiến hạm đồ sộ Mississippi chạy ngược lên Vịnh Tokyo,
áp sát thành phố (khi đó còn mang tên là Edo). Hiển nhiên, hành động của Perry
đã buộc hội đồng lãnh đạo đang run sợ của Nhật Bản phải thay đổi ý kiến.
Perry đã làm cho Tokyo khiếp vía. Một người chép sử biên niên của Nhật kể lại,
người dân thủ đô khi đó lo sợ Perry sẽ chĩa những khẩu súng oai vệ vào thành
phố nên “họ chạy tứ tán khắp nơi tìm cách cất giấu những tài sản và đồ đạc có
giá trị ở nhà của một vài người bạn sống ngoài phạm vi thủ đô”. Mạc phủ
Tokugawa quyết định thay đổi cách cư xử và đồng ý nhận thư của Fillmore.
Năm sau, Perry quay lại và hoàn tất một hiệp ước đòi hỏi Nhật phải mở cửa hai
hải cảng để giao thương với Mỹ. Trong báo cáo chính thức của mình, viên
tướng giành chiến thắng Perry dự báo những chuyện sẽ xảy ra sau khi ông rời
khỏi Nhật: “Người Nhật rõ ràng là rất giỏi bắt chước, dễ thích ứng với hoàn
cảnh mới và biết phục tùng mệnh lệnh. Những đặc tính này của họ mở ra một
viễn cảnh hứa hẹn du nhập khá dễ dàng những phong tục và thói quen từ nước
ngoài vào Nhật.”
Perry đúng là đã nhìn thấy trước được mọi chuyện. Nỗi nhục do Perry và
nhiều thế lực nước ngoài tiếp bước theo Perry gây ra cộng với sự bất mãn ngày
càng tăng đối với chính quyền của Tokugawa đóng vai trò là chất xúc tác dẫn
đến một sự thay đổi lớn. Sự xuất hiện của Perry kèm với tàu chiến và vũ khí oai
vệ làm nhiều người Nhật thức tỉnh trước sự thật đất nước của họ đã bị tụt hậu
đến mức độ nào sau nhiều thế kỷ tự cô lập mình. Nếu Nhật muốn bảo vệ mình
trước sự tấn công của những kẻ tham tàn, hung bạo này thì họ phải tự cải tổ
mình và phải làm điều này thật nhanh. Năm 1868, một liên minh các đại danh
đã lật đổ chế độ quân sự của các tướng quân nhà Tokugawa và khôi phục quyền
lãnh đạo nổi bật của Thiên hoàng trong chính phủ. Minh Trị Duy Tân, cuộc nổi
dậy chính trị được đặt theo tên của Thiên hoàng Minh Trị, làm bất kỳ việc gì
ngoại trừ việc đưa đất nước Mặt trời mọc trở về với lề lối cai trị của thời phong
kiến xa xưa. Dưới sự lãnh đạo của một nhóm các nhà theo chủ nghĩa dân tộc
quyết tâm lật đổ những lề thói cũ kỹ và đặt ra khẩu hiệu fukoku-kyohei nghĩa là
“Phú quốc cường binh”, sứ mệnh của Minh Trị là làm sao đuổi kịp sức mạnh
quân sự, công nghệ kỹ thuật và kinh tế của phương Tây. Korekiyo Takahashi,