miễn giảm thuế đối với sản phẩm nhập khẩu đầu vào cần thiết.
Bằng cách
này, chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi cơ cấu kích thích đầu tư của nền kinh tế,
hay nói theo cách của Amsden là đã bóp méo giá cả , nhằm khuyến khích đầu tư
vào những ngành nghề xuất khẩu bằng cách làm cho việc đầu tư kiểu này trở
nên sinh lợi một cách bất tự nhiên.
Một Park Chung Hee tràn đầy sinh lực mạnh mẽ đã giám sát các kế hoạch
phát triển của đất nước tỉ mỉ đến từng chi tiết. Theo Vogel thì Park đã hành xử
“giống như một vị tư lệnh tiền tuyến”.
Ông đã cho lập một “phòng xử lý tình
huống” sát với văn phòng của mình để giám sát và theo dõi các chương trình
đồng thời tổ chức các cuộc họp định kỳ hằng tháng, hằng quý với các bộ trưởng,
các nhà chính trị, các giám đốc ngân hàng, các lãnh đạo doanh nghiệp, thậm chí
với các lãnh đạo công nhân để kiểm tra tình trạng của họ. Ông không ngớt quấy
rầy các bộ trưởng bằng những cuộc điện thoại liên tục để đảm bảo chắc chắn là
họ đang đáp ứng đúng thời hạn và mục tiêu. Kim Chung Yum, Bộ trưởng Tài
chính kiêm Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, viết: “Tổng thống Park giám sát
tiến độ của từng dự án một, kể cả dự án công lẫn dự án tư”. Thậm chí những dự
án ít tên tuổi cũng nhận được sự quan tâm theo dõi sát sao của Park. Chẳng hạn
như đối với một chương trình cải tiến việc sử dụng nước ngầm, Park đã tổ chức
hàng chục cuộc họp cho đến khi mọi khía cạnh của dự án được quyết định xong.
Sau đó, đích thân ông đi thăm dự án.
Bất chấp việc kiểm soát nghiêm ngặt chính sách, Park vẫn thừa nhận một điều
là ông có rất ít kinh nghiệm hay kiến thức học hành bài bản về kinh tế.
Tuy
nhiên, ông lại cởi mở một cách đáng ngạc nhiên đối với những ý kiến tham mưu
của các chuyên gia kinh tế mà ông đã trọng dụng làm bộ trưởng hay trợ lý. Kim
Chung Yum là một trong những người mà Park nhẫn nại lắng nghe nhất. Vào
thời điểm xảy ra cuộc đảo chính năm 1961, Kim, một nhân viên của Ngân hàng
Trung ương Hàn Quốc, được giao nhiệm vụ ở New York làm người liên lạc giữa
ngân hàng này với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Khi Park bắt đầu thanh trừng
những người thuộc chế độ cũ, Kim vẫn còn đang ở Mỹ và lo sợ sẽ chịu chung số
phận nếu mình trở về nước. Tuy nhiên, sống lưu vong tại Mỹ dường như cũng
không phải là một lựa chọn tốt. Kim không dám tự tin rằng ông có thể chu cấp
cho gia đình mình tại một đất nước xa lạ. Cảm thấy không còn có sự lựa chọn