hăm hở áp dụng cách thức mới, tôi đã đắp miếng thuốc hơ quá nóng lên vết
thương và lúc đang quấn băng bên ngoài thì Kamante chợt nói: “Msabu”
rồi nhướn mắt liếc tôi. Người bản xứ dùng từ Hindu này để gọi phụ nữ da
trắng; tuy nhiên họ phát âm hơi khác và biến nó thành một từ châu Phi; với
âm sắc bất đồng. Qua miệng Kamante, nó như tiếng kêu cứu, nhưng cũng
là lời cảnh báo, từ người bạn thủy chung can gián ta làm điều không xứng
với mình. Sau đó tôi nghiền ngẫm lại chuyện ấy với một niềm hi vọng. Tôi
đã có khát vọng của một bác sĩ; và lấy làm ân hận đã ấp thuốc quá nóng lên
cậu, song đồng thời lại mừng rỡ bởi đó là cái nhìn câu thông đầu tiên giữa
đứa trẻ hoang dã và tôi. Con người cam chịu đến cùng cực, tuyệt nhiên
chẳng trông mong nhận lãnh gì khác ngoài khổ đau kia, đã không mong đợi
nỗi đau ấy đến từ tôi.
Tuy nhiên việc chạy chữa cho cậu diễn tiến chẳng mấy khả quan. Suốt một
thời gian dài tôi gắng rửa sạch và băng bó chân cho cậu, nhưng căn bệnh
vượt quá khả năng của tôi. Đôi lần tình trạng có khá lên chút đỉnh, có điều
rồi các vết loét lại xuất hiện ở những chỗ mới. Rốt cuộc tôi quyết định đưa
Kamante tới nhà thương của Hội truyền giáo Scotland.
Quyết định lần này của tôi, rốt cục, hàm chứa đủ độ chết chóc và tiềm tàng
quá nhiều khả năng để khiến Kamante có phản ứng, cậu không muốn đi.
Kinh nghiệm và triết lí sống ngăn Kamante cưỡng chống bất kể thứ gì, vậy
mà khi được tôi lái xe chở tới Hội truyền giáo, và giao vào dãy nhà bệnh xá
dài hun hút thì cậu run lên cầm cập giữa môi trường hoàn toàn xa lạ và bí
ẩn.
Tôi là hàng xóm của hai Hội truyền giáo. Ngôi nhà thờ của Hội truyền giáo
Tin lành Scotland; cách mười hai dặm phía Tây Bắc, nằm cao hơn đồn điền
năm trăm bộ; còn Hội truyền giáo Công giáo La Mã của Pháp tọa lạc mười
dặm về phía Đông, trên một vùng đất bằng, lại thấp hơn chỗ tôi năm trăm
bộ. Dẫu chẳng hề tán đồng các Hội truyền giáo, nhưng ở phương diện cá
nhân, tôi làm bạn với cả đôi bên, và lấy làm tiếc khi họ phải sống trong tình
trạng thù nghịch lẫn nhau.