mọi thứ này sẽ bỏ mặc sự tình cho xứ thuộc địa và theo đường ong trực chỉ
bay về Paris ngay tắp lự.
Quản hai con ngựa trong thời gian tôi ở giáo đường rồi nhà ăn, trên đường
về Farah sẽ nhận thấy tâm trạng phấn chấn ở tôi. Bản thân là một tín đồ Hồi
giáo ngoan đạo, không động đến rượu, nhưng anh vẫn chấp nhận lễ misa và
uống vang là các nghi thức phù hợp cho tôn giáo của tôi.
Các cha xứ người Pháp thảng hoặc cũng cưỡi mô tô tới đồn điền và dùng
bữa trưa ở đây. Họ trích dẫn Lafontaine cũng như cho tôi lời khuyên bổ ích
trong canh tác cà phê.
Tôi không quen thân Hội truyền giáo Tin lành Scotland như thế. Cơ sở của
họ có một tầm nhìn ngoạn mục bao quát toàn bộ địa hạt dân Kikuyu cư trú,
tuy vậy Hội truyền giáo này lại mang cho tôi ấn tượng về sự mù lòa, cứ như
nó chẳng thấy được gì. Khi ấy nhà thờ Tin lành Scotland đang ra công
khoác các áo váy Âu châu lên người bản xứ, điều tôi nghĩ, nhìn từ mọi góc
độ, chẳng mang lại ích lợi gì cho họ. Tuy nhiên, trong thời gian tôi sống tại
châu Phi, Hội truyền giáo này có một bệnh xá rất tốt do bác sĩ Arthur, một
thầy thuốc thông minh, đầy lòng nhân ái cai quản. Họ đã cứu mạng nhiều
cư dân đồn điền.
Các y bác sĩ giữ Kamante ba tháng tại Hội truyền giáo Tin lành Scotland.
Trong quãng thời gian đó tôi có nhìn thấy cậu một bận. Lần ấy đang cưỡi
ngựa ra ga xe lửa Kikuyu, tới đoạn đường chạy song song bệnh xá, tôi bắt
gặp Kamante đứng ngoài trời, hơi tách biệt khỏi mấy tốp bệnh nhân khác.
Lúc này cậu đã bình phục đáng kể để có thể chạy nhảy. Nom thấy tôi, cậu
bèn tiến sát lại bờ rào rồi cứ thế chạy theo cho đến hết đoạn đường song
song. Giống chú ngựa con trên bãi chăn thả lúc bạn phóng ngựa qua,
Kamante lẽo đẽo chạy phía trong hàng rào, mắt bám vào ngựa tôi nhưng
chẳng thốt nửa lời. Tới góc ranh giới khuôn viên bệnh xá, Kamante buộc
phải dừng bước, và trong khi ngựa sải vó tôi ngoái lại thấy cậu vẫn đứng
sững, nhướn lên dõi theo, dáng tựa chú ngựa con lúc bạn rời xa nó. Thấy