bằng tiếng Anh trong sáu tháng của năm 1935, tại một khách sạn ở Skagen
- điểm cực bắc Đan Mạch; bà bảo sống cùng mẹ không thể tập trung sáng
tác được.
Tại sao chỉ đến khi ấy bà mới bắt tay vào viết lại cuộc đời ở châu Phi của
mình? Theo các nhà nghiên cứu dường như ấy là bởi Karen Blixen vẫn còn
giữ mối liên kết đầy cảm xúc với tư liệu châu Phi và cần thêm thời gian để
có khoảng lùi và chọn đúng giọng điệu cho sách. Năm 1933 khi được hỏi
hà huống gì chẳng thấy viết về châu Phi, bà đã trả lời: “Nếu có khi nào tôi
viết về châu Phi, sẽ không tránh khỏi việc cuốn sách chứa đựng vô vàn
chua chát và oán thán cách người Anh xử sự với xứ sở và con người nơi đó,
cũng như cách họ mặc sức triển khai nền văn minh cơ khí và vụ lợi của
chúng ta tại đấy. Trên bất kì phương diện nào, cuốn sách sẽ chẳng phải tài
liệu tuyên truyền chính trị mà là tiếng nức nở lòng tôi, với đầy chua chát
trước chế độ nông nô cũng nhiều như của nhà văn Turgheniev trong Bút kí
người đi săn”. Quả thế thật, sau hai năm kể từ câu trả lời nói trên Karen
Blixen đã tìm được giọng văn mỉa mai xa xôi và để người đọc tự đưa ra
nhận xét về con người và sự kiện ở châu Phi mà bà mô tả. Lựa chọn đúng
đắn này đã khiến sách được đón nhận rộng rãi. Một trong những nguyên
nhân cuốn sách được nồng nhiệt đón nhận còn là bởi nó như một ẩn dụ của
thời đại lúc ấy với mô tả cuộc vật lộn của một cá nhân cùng số phận giữa
chiến tranh và hạn hán, nền kinh tế biến động, nỗi đau mất mát người thân
và sự sụp đổ một cuộc sống lí tưởng.
Ở ngay trang đầu tác giả nhắc lại phương châm sống của giới quý tộc Ba
Tư thời xưa nhưng có lẽ cũng là của chính Karen Blixen: Hãy cưỡi ngựa,
bắn cung, nói sự thật. Điều này có thể được hiểu nôm na như là: Hãy dấn
thân, hãy trải nghiệm, hãy mô tả. Tác giả muốn nhấn mạnh bà dùng những
chuẩn mực trên khi kể chuyện. Sống ở châu Phi cần biết cưỡi ngựa, bắn
(súng hay cung), còn kể sự thật là để độc giả tin mình. Người đọc hoàn toàn
có thể nhận ra đề từ này là một tổng kết về chính phần đời mười bảy năm ở
châu Phi của tác giả.