Kamante quả là đối tượng thích hợp nhất để phát hiện ra xác ông, bởi cậu là
người bản xứ duy nhất ở đồn điền tỏ ra thương cảm Già Knudsen. Thậm
chí cậu còn quan tâm đến Già Knudsen, như kẻ lập dị để tâm tới kẻ lập dị
khác, và lâu lâu lại tự động đem trứng qua biếu hay trông chừng mấy chú
Toto của Già Knudsen lẩn đi mất.
Ông lão nằm ngửa, cái mũ lăn ra cách đó một đoạn, đôi mắt mở hé, gương
mặt diềm đạm. Tôi thầm nghĩ: Cuối cùng ra ông ở đây sao, Già Knudsen.
Muốn đưa ông trở lại gian nhà nhỏ, nhưng tôi biết chẳng ích gì nếu gọi mấy
người Kikuyu quanh đó, hoặc đang làm trên shamba gần bên; họ sẽ lập tức
bỏ chạy khi phát hiện nguyên do. Tôi bèn sai Kamante về nhà kéo Farah tới
hỗ trợ, song cậu bé chẳng hề nhúc nhích.
“Sao cô chủ lại muốn cháu chạy đi?” Kamante hỏi.
“Cháu cũng thấy đấy,” tôi bảo, “mình ta chẳng thể vác Bwana già đi được,
còn dân Kikuyu các cháu lại là lũ ngốc sợ khuân người chết.”
Kamante phô ra một nụ cười mỉa mai. “Msabu lại quên,” cậu nói, “cháu là
một tín hữu Thiên Chúa giáo rồi.”
Kamante khiêng chân còn tôi đằng đầu, cả hai đưa ông lão về gian nhà.
Chốc chốc chúng tôi phải dừng lại, đặt ông xuống để nghỉ và Kamante lại
đứng nghiêm, cúi nhìn xuống chân Già Knudsen. Tôi nghĩ đây là nghi thức
ở Hội truyền giáo Scotland khi có ai đó chết.
Sau khi đặt ông vào giường, Kamante đi quanh phòng rồi vào bếp tìm một
chiếc khăn che mặt cho ông, cậu chỉ thấy một tờ báo cũ. “Tại bệnh xá
người Thiên Chúa giáo làm thế này,” Kamante giảng giải cho tôi.
Rất lâu sau này, Kamante vẫn còn khoái chí khi nghĩ tới bằng chứng cho
cái ngốc nghếch ở tôi. Đang cùng làm bếp, một niềm vui thầm kín bất đồ
ập về khiến cậu bỗng phá lên cười. “Msabu còn nhớ không,” Kamante bảo,
“cái bận cô quên cháu là một người Thiên Chúa giáo, và tưởng cháu sẽ e sợ
không dám giúp cô khuân Msungu Msei?” - ông già da trắng.