bệnh này cuối cùng đã giết chết ông. Cả tuần chẳng thấy bóng dáng
Knudsen đâu, tôi tìm xuống căn nhà nhỏ xem có chuyện gì và bắt gặp ông
nằm sõng soài trên giường, giữa mùi hôi thối da hà mã, trong gian phòng
tuềnh toàng, bừa bãi. Mặt ông xám tựa tro, đôi mắt đục trũng sâu. Nghe tôi
hỏi, Knudsen chẳng hề trả lời hay hé môi. Chỉ mãi sau, lúc tôi đã dợm đứng
lên định về, ông chợt thì thào, giọng khan đặc, “Tôi ốm quá.” Lúc ấy không
phải Già Knudsen, con người vĩnh viễn chẳng đổ bệnh hay bị đánh bại
đang nói, mà là kẻ tôi tớ, người duy nhất một lần cho phép mình bộc lộ nỗi
khốn khổ, đớn đau của bản thân.
Ngán cảnh sống đìu hiu ở đồn điền, thỉnh thoảng Già Knudsen khóa trái
cửa, biến mất khỏi tầm mắt chúng tôi. Tôi nghĩ phần lớn đó là các dịp ông
nhận được tin bạn cũ, một nhà tiên phong nào đó của quá khứ hiển hách,
vừa đến Nairobi, ông sẽ mất tăm, tầm dăm bữa nửa tháng, đến khi chúng
tôi cơ hồ quên khuấy sự tồn tại của ông, và luôn quay về trong tình trạng
đau ốm bệnh hoạn, kiệt sức tàn hơi, đến nỗi lê lết, trầy trật lắm mới mở nổi
khóa nhà. Rồi ông mất mặt trong nhà vài ngày. Tôi tin những dịp này ông
ngại gặp tôi, vì cho tôi chẳng đồng tình với những cuộc bỏ trốn ấy, và sẽ lợi
dụng tình trạng sức cùng lực kiệt ở ông mà đắc thế. Dẫu đôi khi cất tiếng
hát ngợi ca cô vợ trẻ của thủy thủ - những nhân vật mang tình yêu con
sóng, nhưng thâm tâm Già Knudsen chẳng hề tin phụ nữ, và nhìn nhận họ,
bởi bản năng, là kẻ thù của đàn ông và trên nguyên tắc, sinh ra là để ngáng
đường vui thú của ông.
Ngày Knudsen chết, cũng là sau khi ông vắng bóng hai tuần và chẳng ai ở
đồn điền chứng kiến thời điểm ông quay về. Tuy nhiên lần đó ông hẳn định
phá lệ bởi nơi ông gục ngã là lối mòn chạy xuyên qua rẫy cà phê trên
đường từ nhà mình tới tìm tôi. Kamante và tôi bắt gặp ông nằm sóng sượt
trên lối nhỏ ấy vào buổi xế chiều, khi cả hai ra hái nấm mọc trong những
trảng cỏ non mới nhú ngoài thảo nguyên, vì độ ấy là tháng Tư, đầu mùa
mưa dầm.