thấy phải xử sự như vậy; cũng có thể cậu gắng, vào giờ phút cần kíp, tranh
thủ để có một người bạn. Hoặc cú sốc, tiếng nổ, và cái chết của bạn bè
xung quanh, đã giáng mạnh vào não bộ nhỏ bé của cậu, khiến các mẩu nhỏ
ngoài rìa bắn vào trung tâm nhận thức.
Dạo ấy tôi sở hữu một chiếc xe Overland cũ mèm nhưng tôi sẽ chẳng bao
giờ viết nửa chữ chê bai bởi nó đã phục vụ tôi rất trung thành trong suốt
nhiều năm. Tuy nhiên rất hiếm dịp chiếc xe có hơn hai xi lanh cùng làm
việc. Đèn xe cũng đã hư, bởi thế tôi thường tới các buổi dạ vũ ở câu lạc bộ
Muthaiga với một ngọn đèn bão quấn tấm khăn mùi soa lụa đỏ thay cho
đèn hậu. Phải đẩy thì chiếc xe mới khởi động và đêm đó trầy trật mãi máy
mới chịu nổ.
Khách khứa thường ca thán tình trạng đường đất ở đồn điền tôi, và trong
cái đêm chạy xe bán sống bán chết ấy, tôi nhận thấy họ mới có lí làm sao.
Ban đầu để Farah điều khiển, song cho rằng anh đang cố tình lao vào tất cả
ổ voi và sống trâu nên tôi buộc phải tự mình cầm lái. Vì lí do này, lúc tới
đầm nước, tôi đã xuống rửa tay trong làn nước tối thẫm. Quãng đường tới
Nairobi như dài vô tận, thời gian xe chạy lâu như thể chúng tôi đang băng
một lèo về tận quê nhà Đan Mạch.
Bệnh viện cho dân địa phương ở Nairobi nằm trên quả đồi ngay trước khi
xe bạn đổ dốc tiến vào thành phố. Lúc này cả bệnh viện tối om và tĩnh lặng,
chúng tôi đã rất vất vả để đánh thức nó dậy. Cuối cùng chúng tôi tìm được
một ông già bác sĩ hay y tá người Goa
, bận một tấm váy ngủ lạ lùng kiểu
phụ nữ. Người này to béo, phong cách rất mực tĩnh tại, có thói quen làm
một cử chỉ kì lạ bằng tay này rồi chuyển sang làm tay kia. Khi phụ nâng
Wamai ra khỏi xe, tôi tin cậu có chút cử động và ưỡn người, nhưng lúc
được chúng tôi đưa vào căn phòng bệnh viện sáng trưng thì cậu đã chết.
Ông già người Goa chỉ vào Wamai, xua xua tay bảo: “Thằng nhỏ chết thẳng
cẳng rồi còn đâu.” Đoạn chỉ Wanyangerri, ông nói: “Thằng này còn sống.”
Tôi chẳng bao giờ tái ngộ ông ta lần nào nữa, bởi tôi không bao giờ quay
lại bệnh viện đó ban đêm, đây có lẽ là ca ông làm việc. Dạo ấy, tôi nghĩ