mình tốt cỡ nào, nhưng chỉ cần nước sơn bóng loáng, không tì vết là đã ghi
trước vài chục điểm. Có thể nhiều người phản bác, cho rằng vẻ đẹp tâm hồn
mới là điều quan trọng, kiến thức cao siêu mới là điều cần thiết. Nhưng hỏi
thiệt, ở 18 giây đầu tiên nhìn nhau, ai đủ khả năng bộc lộ tâm hồn lẫn phơi
bày kiến thức! Còn vì sao là 18 giây mà không phải 17 hay 20, đơn giản tại
thích số 18, thế thôi.
Có bữa ngồi nói chuyện với ông anh đạo diễn, ổng cần tìm một vai gái
xấu thật sự để vào vai chính phim truyền hình, mà khổ cái tìm nổ con mắt
không ra được cô nào. Dĩ nhiên vào vai chính nên diễn xuất phải tốt, mà
diễn xuất tốt thì chỉ có diễn viên, mà diễn viên nhìn đi nhìn lại toàn người
đẹp. Ngay như cái hồi thi vào Sân khấu Điện ảnh, người ta cũng phải chọn
người có nhan sắc, chứ còn hơi hơi có nhan sắc cũng thôi rồi.
Hay như có người nói cái phim Cô gái xấu xí, rõ ràng nói về một cô xấu
quắc cần câu, mà cũng phải tìm một người đẹp, hóa trang cho xấu vào vai
chính, chứ còn tìm người xấu mà đóng phim thì mơ đi bưởi.
Ai mà nói “bề ngoài không quan trọng”, thề là người đó nói dối hoặc là
người đó… không có bề ngoài. Bởi rõ ràng trong mấy bài giảng văn hồi phổ
thông còn học, thầy cô nào cũng nhồi vào đầu học sinh cái câu, ở đời phải
tìm đến cái đỉnh cao nhất là “chân, thiện, mỹ” chữ mỹ trong đó chẳng phải
là đẹp thì là gì.
Dĩ nhiên, đẹp ở đây không phải chỉ là cái đẹp bề ngoài, quần áo, gương
mặt trang điểm, còn có cả cái đẹp thật sự từ bên trong. Ý là trong tâm hồn
chứ không phải trong quần áo nhé. Nhưng ở đây, chỉ đủ thời gian bàn đến
cái đẹp lồ lộ bên ngoài ai nhìn cũng thấy, còn cái bên trong, từ từ hậu xét.
Nói về cái đẹp, lại phải quy về cái chuẩn của cái đẹp. Mỗi thời đại thì cái
chuẩn đó lại thay đổi xoành xoạch, xoèn xoẹt.