Đôi khi đi chơi, đến tầm 1, 2 giờ sáng, nghe tin nhắn báo, không cần mở
lên cũng biết là cô, đơn giản ba chữ “Có về không” nhưng đựng đầy cả đêm
dài chờ đợi, quan tâm.
Cha nói, “Cô không con cái, sau này bây phải lo cho cô…” Cười với cha,
“Đâu cần cha dặn, chuyện này con biết là nghĩa vụ rồi…”
Nói nghĩa vụ nghe sao nặng, nhưng thực lòng biết, đã từ lâu coi cô là Mẹ
thứ hai, Mẹ mà cả một căn nhà không thể nào thiếu. Từ cô, học được bài
học về tình thường bao la.
Bà.
Là một người đàn bà xa lạ, tầm ngoài 50, bán vé số ở một ngã tư trên
đường đi làm ban sáng, hầu như ngày nào cũng có lần gặp qua.
Đôi chân teo cơ cong quắp, cánh tay ngoặt ngoẹo cố gắng xếp từng tờ vé
số, đôi khi là cố lùa muỗng cơm vào miệng. Đầu bà quẹo sang một bên, hơi
cúi xuống, do vậy mà mắt muốn nhìn ai cũng xếch ngược dữ tợn.
Mỗi lần đèn đỏ, xe dừng kế chỗ bà, bà lại cất giọng rao, “Vé số chiều xổ”
bằng cái giọng cao vút, chói tau, khó khăn lắm mới nghe ra được. Ngày
nắng thì có thêm cái nón lá rộng vành rách vài chỗ, mưa thì gặp cảnh bà
chống tay, nặng nhọc lê thân mình vào núp mưa trong cây xăng gần bên.
Tội, thương, có lần dừng xe để vào chiếc nón của bà 10 ngàn đồng rồi
tính chạy xe tiếp. Chưa gì thấy tay bị níu, bà cầm tờ vé số, ấn vào tay, cũng
bằng cái giọng cao vút, khó nghe, cố nói rõ ràng từng chữ, “Cầm, tui không
ăn xin.” Dừng xe, cúi đầu xin lỗi rồi nhận tờ vé số, lòng hổ thẹn vô cùng.
Từ đó hiểu ra, cho tiền một người có khi lại là cách làm tổn thương người ta
vô cùng tận.