Tôi tưởng tượng bà già tôi sẽ ôm lấy ngực, làm bộ nước mắt giàn giụa như
thể là người bị hại và tỏ ra đau khổ lắm lắm.
Đôi bàn tay được gọt giũa chuyên nghiệp của gã người Pháp Jean-Luc sẽ có
dịp tha hồ mà khua khoắng.
Nhưng chuyện mơn trớn ấy, hắn có được làm hay không nhỉ.
Không chừng chuyện tình của bọn họ sẽ thăng hoa khi không còn tôi ở đó
làm cái neo tinh thần kéo Linda tội nghiệp về thực tại và trách nhiệm làm mẹ.
Không chừng khi tôi biến rồi, bà sẽ vui vẻ tung tăng tới Pháp như một quả
bóng bay màu bạc sáng bóng trong sinh nhật một đứa con nít.
Thậm chí bà có thể giảm hẳn một size váy khi không có tôi quẩn quanh kích
động chứng “cuồng ăn khi chán nản” vốn có của bà.
Có khi Linda sẽ không bao giờ quay về nhà nữa.
Có khi bà già tôi và Jean-Luc sẽ chuyển tới kinh đô thời trang của thế giới,
thành phố ánh sáng, ô hô hô! và quấn lấy nhau mãi mãi như hai con thỏ.
Bà sẽ bán tống bán táng mọi thứ và những người chủ mới sẽ tìm thấy tóc tôi
trong tủ lạnh và thốt lên: Cái quái quỷ gì thế này? Tóc tôi sẽ bay ngay vào thùng
rác không nói nhiều.
Bị tống khứ. Bị quên lãng. Tóc ơi an nghỉ.
Hay biết đâu họ sẽ quyên tặng mớ bùi nhùi tóc của tôi cho một trong những
nơi làm tóc giả để giúp lũ trẻ bị ung thư. Thế là búi tóc của tôi có được cơ hội tái
sinh lần nữa với một con bé thơ ngây trọc đầu do hóa trị.
Tôi thích thế đấy. Thích thực đấy.
Tóc tôi xứng đáng được như vậy.
Nên tôi thật sự hy vọng vào cái viễn cảnh giúp lũ trẻ ung thư đó nếu mà
Linda tới Pháp chứ không về nhà trước, hoặc thậm chí chính Linda sẽ đem tóc tôi
đi quyên tặng.
Mọi việc đều có thể lắm chứ, tôi đoán vậy.
Tôi nhìn chằm chằm vào tấm gương trên bồn rửa.
Cái thằng trọc lốc trong gương đang trố mắt nhìn tôi trông thật kỳ cục.
Hắn là một người lạ hoắc với những đám tóc nham nhở trên đầu.
Trông hắn gầy hơn.
Tôi có thể thấy gò má hắn nhô ra, nơi mà trước đây nó được rèm tóc bù xù
che khuất.
Cái gã này trốn dưới tóc tôi bao lâu rồi?