tiến tới chỗ Baback và hỏi: “Sao hôm qua không thấy cậu đi ăn trưa? Cậu tới
phòng y tế à?”
“Tôi không muốn gặp rắc rối gì cả,” Baback nói mà không thèm nhìn tôi.
Mắt cậu ấy dõi theo trái banh màu cam mà cả đám đang đuổi theo để đập vào.
“Cứ mặc tôi.”
Cũng không ai trêu chọc gì Baback trong phòng thay đồ, điều này làm tôi
thấy tự hào đôi chút.
Tôi quyết định theo dõi Baback khi hết tiết và thấy cậu ấy gặp bác lao công
tại thính phòng. Bác lao công để cho Baback vào rồi bỏ đi. Thính phòng nằm tại
một khu tương đối tách biệt trong trường, không có mấy hoạt động diễn ra ở đây
nên thường cũng chẳng có học sinh nào lai vãng chốn này. Tôi nhìn qua ô vuông
trên cửa và Baback lấy cây vĩ cầm ra khỏi hộp, lên dây và bắt đầu tập luyện.
Nói rằng cậu ấy chơi tuyệt vời thì vẫn còn nhẹ đấy. 15 tuổi mà cậu ấy đã
chơi đàn đẳng cấp thế giới — hay hơn tất thảy mọi người chơi vĩ cầm mà bạn đã
từng nghe.
Cậu ấy cứ như một phù thủy âm nhạc.
Tôi nhìn qua ô kính vuông đó, lắng nghe cậu bạn nhỏ thó chơi nhạc và để
cậu ấy cuốn tôi vào vòng xoáy của những cung bậc âm thanh trầm bổng khiến
ngực tôi đau nhói.
Hay quá.
Phần hay nhất là khi cậu ấy nhắm mắt và gật gù theo nhịp của chiếc vĩ và
bạn có thể thấy rằng khi cậu ấy chơi đàn, cậy ấy không còn là cậu bé người Iran
lạc lõng trong một thị trấn nơi người ta âm thầm phân biệt chủng tộc nữa – không
đâu, mà cậu ấy là chúa tể nắm giữ vận mệnh của mình.
Giống như thể chiếc vĩ là cây đũa thần, còn những rung động phát ra từ thân
đàn bằng gỗ ấy là một lực tác động mà ít người có thể hình dung được.
Cậu ấy như đang cao lớn lên trước mắt tôi.
Và tôi liền hiểu ra vì sao cậu ấy không cần bạn bè gì, cũng không cần được
chấp nhận trong cái ngôi trường phân biệt đối xử chết tiệt này, bởi vì cậu ấy đã có
âm nhạc bầu bạn và điều đó tuyệt vời hơn hết thảy mọi thứ chúng tôi có thể cho
cậu ấy.
“Cậu là một thiên tài,” tôi thốt lên khi Baback bước ra khỏi thính phòng.
Cậu ấy chỉ nháy nháy mắt y như lúc bị trái bóng cam đập vào giữa hai mắt.
“Cậu theo dõi tôi à?”