đến bằng kinh nghiệm. Làm sao sách vở có thể diễn tả cho ta biết: đây là
những cảm giác phát sinh, đây là tác ý, đây là một loại tâm đặc biệt, đây là
sự khác biệt của thân và tâm v.v... Cũng như khi bạn trèo cây và bị rơi xuống
đất, bạn không thể biết được bạn đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu tấc, đã
xuyên qua bao nhiêu cành lá trước khi chạm mặt đất. Bạn chỉ biết bạn rơi
xuống đất và thấy đau mà thôi. Không sách vở nào mô tả được cảm giác lúc
ta đang rơi và cảm giác đau khi ta chạm đất. Sách vở nghiên cứu giáo pháp
được hệ thống hóa và làm cho rõ ràng. Nhưng thực tế không chỉ đi theo một
lối đơn giản.
Bởi thế, chúng ta phải dùng trí tuệ sâu xa của mình để nghiệm xem cái
gì đã khởi sinh trong tâm người giác ngộ. Người giác ngộ hiểu biết qua kinh
nghiệm của họ rằng, tâm không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Khi
nói cho chúng ta biết tên của các loại tâm và tâm sở, Đức Phật không muốn
cho chúng ta dính mắc vào ngôn từ. Ngài chỉ muốn chúng ta thấy tất cả đều
vô thường, khổ và vô ngã. Ngài dạy chúng ta hãy buông bỏ tất cả. Khi các
pháp phát sinh hãy chánh niệm, biết chúng. Tâm thực hiện được sự ghi nhận
giác tỉnh này mới là tâm được huấn luyện đúng cách. Khi tâm bị khuấy động
thì nhiều loại tâm, tâm sở, phản ứng v.v... hình thành và nẩy nở liên tục. Cho
dù tâm tốt hay tâm xấu, ta cũng chỉ theo dõi và để chúng như thế. Đức Phật
chỉ dạy đơn giản: "Vất bỏ hết". Nhưng ta không thể vất bỏ chúng ngay được
đâu! Hãy tinh cần quán sát theo dõi hiểu rõ tâm mình, để biết làm thế nào để
vất bỏ chúng.
---o0o---
104. Nông Phu Và Người Mẹ
Trong việc tu hành, hễ bạn thấy nơi nào còn khuyết điểm thì hãy gia
tâm chú ý vào nơi ấy. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, hãy chú tâm vào đấy,
giống như người nông phu chưa cày xong thửa ruộng của mình. Mỗi năm
người nông phu đều phải chuẩn bị đất để sẵn sàng gieo hạt. Nhưng năm nay
chưa cày xong thửa ruộng nên lúc nào tâm người nông phu cũng hướng về
thửa ruộng. Tâm người nông phu không thể nào an vui, bởi vì anh ta biết
công việc của mình chưa làm xong. Mặc dầu đang vui với bạn bè nhưng anh
không cảm thấy thoải mái chút nào, vì tâm trí anh lúc nào cũng ưu tư đến
thửa ruộng còn dang dở. Hoặc như người mẹ đặt đứa con nhỏ trên lầu để đi
xuống dưới lầu cho súc vật ăn. Tâm người mẹ lúc ấy luôn luôn hướng về
người con, lo lắng không biết có gì xảy ra với đứa trẻ. Mặc dầu đang làm
công việc khác, nhưng tâm người mẹ không rời đứa con. Việc hành thiền