Hy vọng, đó không phải là dấu hiệu bạn tôi khởi đầu chuyến viễn du giã từ
năm, tháng, khốn đốn.
Riêng tâm hồn tôi cũng đã trở lại ẩn, trú trong ngôi nhà, dài lâu, đường
Lucille, đang thay da, đổi thịt. Căn nhà phụ như cây nấm dại lì lợm mọc lên
giữa khoảng sân sau, được nhiều bàn tay bằng hữu cơi rộng. Bốn vách ván
trở thành chỗ treo tranh. Vùng bút tích tung hoành, thơ, văn của khá nhiều
tình thân, giờ không dấu vết. Dàn chanh dây từng “long tranh hổ đấu” với
những dây hoa vàng quanh năm - - Lối đi dưới... trái, dẫn vào hành lang
(cũng treo rất nhiều tranh, ảnh.) Nơi tôi có nhiều năm ngồi với chiếc
computer. Tiếp bạn. Nhả khói mịt mù. Giờ cũng không còn!!!
Tôi đem tâm hồn tôi tạm trú trên những nhánh cây treo lửng trong hai chiếc
chuồng chim lớn (tác phẩm lao động chân tay của họa sĩ N.Đ.T.) Tôi nghĩ
mình thật không phải khi đưa cái mặt lơ láo, bậm trợn hù dọa đám chim
cockateil (vốn đã nhân mãn), bắt chúng nhường đất cho mình. Cũng có khi
tâm hồn tôi mắc võng trên những chạc ổi xá lị thấp tè; hoặc lẩn dưới tán
bưởi nậm rượu, xum xuê sát tường hàng xóm. Nơi những đêm mùa hè, hoa
bưởi lén thoa lên mặt tôi, lớp phấn hương ân cần, thân thiết kỷ niệm. (Cái
ân cần, thân thiết kỷ niệm, bất chợt, như những tình cờ chạm đụng một thịt
da quen thuộc nào, mà, sao bỗng ngậm ngùi choáng váng. Cái ân cần, thân
thiết kỷ niệm, bất chợt, đôi khi chỉ thoảng trong ký-ức-khứu-giác, nhưng
cũng đủ cho ta ngẩn ngơ tự hỏi, phải đã nghìn năm, xa cách?!?...)
Nhưng, cách gì, dù cho những con sông có chảy ngược/ xuôi đôi miền lưu
vực rêm, nhức thân thể tôi, (thì), cuối cùng, tôi cũng hiểu ra, những ngày
ngắn ngủi, ở Texas, gần nhất, chính là những bàn tay hối hả lay, giựt tôi ra
khỏi giấc ngủ, muộn.
Đó là buổi sáng, với Tr3. Tr3. đã đem những cây sồi nứt xương ở thung
lũng Camp Pendleton, tháng Mười 75; trồng lại trong cánh rừng quá khứ
tôi, tiêu trầm, gió, bão. Tr3. cũng đã cấy lại trên những bờ, luống tôi nhem
nhuốc đìu hiu, hình ảnh bằng hữu. Hiểu một nghĩa nào, họ đã đi xa. Quá xa!