Đứng trên sân khấu, nhìn xuống căn phòng ken cứng người, nhấp nhô
những mái đầu sớm bạc; trước khi dứt lời, tôi hướng về chiếc bàn nhỏ, kê
sát tường, gần cuối phòng của thầy Tuyến. Tôi rất muốn nói với thầy tôi,
một câu, đại ý:
“Thưa thầy, đám học trò cũ của thầy, đứa nào “đi xa” thì thầy cứ để chúng
“đi xa”... Riêng thầy, thầy cố ở lại dài lâu với những đứa còn lại. Như tấm
gương, như điểm tựa tinh thần cho chúng con. Vì chúng con, ở tuổi này, đa
số đã không còn bố nữa!...”
Tuy nhiên, khi nhìn xuống, bắt gặp đôi mắt của chị Tiền, chị Khang
Nguyễn, chị Định... tôi lại thấy, tôi phải kính trọng những giọt lệ muộn mằn
nơi đôi mắt góa bụa của các chị!
Nói xong, thay vì về lại bàn thầy tôi, tôi báo cho Bùi Vĩnh Hưng, một thành
viên trong ban tổ chức biết, tôi phải đi. Và, nhớ xin lỗi thầy Tuyến cho tôi.
Tôi biết, nếu tôi có trở lại bàn, xin phép thầy cho tôi đi trước thì, thầy cũng
sẽ vui vẻ cho phép thôi! Giống như những lần thầy bắt gặp tôi “cúp cua”...
Lần nào thầy cũng tha tôi, như thể đó chỉ là vi phạm kỷ luật lần đầu...
Tôi biết, mặt trời, nơi tôi ở sẽ tiếp tục kéo tháng Chín lên cao, sau ngày tôi
không còn nữa. Nhưng tôi vẫn xin, như tôi hằng cầu nguyện mỗi đêm rằng,
xin mặt trời đừng bỏ lại sau lưng, những tháng Tám khô, nám tiếng cười.
Như tháng Tám, ngày 21 vừa qua. Ngày thầy Vũ Đình Tuyến vĩnh viễn
không còn ở với chúng tôi! Mặc dù sự “đi xa” của thầy không có nghĩa sẽ là
lãng quên bằn bặt.
Tôi vẫn nghĩ, nếu thời gian có áp đặt lên đời sống chúng ta những lãng quên
bằn bặt thì, thời gian cũng đã từng cho thấy, nó bất lực trước những tưởng
nhớ vĩnh viễn trong tâm cảm một số người nào đó. Như trường hợp thầy
tôi, thầy Vũ Đình Tuyến. Thầy tôi sẽ không chỉ ở lại vĩnh viễn nơi con,
cháu thầy mà, thầy tôi còn ở lại vĩnh viễn nơi đám học trò của thầy, ở khắp
cùng trái đất.