huyền thoại về chú Cuội, chị Hằng và cây đa. Các em chăm chú nghe cô kể
chuyện bằng hai ngôn ngữ Anh – Việt và giơ tay trả lời câu hỏi rất thích thú
hồn nhiên. Nghe kể chuyện xong, mỗi em được phát một lồng đèn đi rước
quanh sân. Hơn 200 lồng đèn đã được phát ra mà vẫn còn thiếu. Có cô
giáo ‘nguýt’ tôi dài dăm bảy cây số ‘Đã bảo mua thêm lồng đèn mà không
nghe!’. Thôi thì ăn ít ngon hơn ăn nhiều.
“Số trẻ em lớn bé tham dự đông ngoài dự ước. Chúng tôi định cho các em
ăn bánh Trung thu ngoài trời ngắm trăng Randolph nhưng vì số người tham
dự quá đông nên cha Xứ bảo tập hợp trong hội trường. Ban tổ chức chỉ xếp
sẵn khoảng mười bàn nhưng số trẻ em và cha mẹ tràn vào hội trường có thể
là từ 300 đến 400 người nên các thầy cô phải vận động bà con xếp thêm
bàn ghế. Các bạn trong chương trình Việt Ngữ VNSB của tôi ai cũng hăng
hái bưng những đĩa bánh Trung thu và bánh do cô Linda và cô Huyền
nướng tại nhà mang đến từng bàn mời các em và phụ huynh cùng chung vui
Tết Trung thu. Tiếng cười nói ồn ào khiến mọi người ai cũng rạng rỡ hân
hoan. Bánh Trung thu được bà con và nhà hàng Phở Countryside chiêu đãi
dư đầy. Không ngờ vui đến thế. Dọn dẹp xong, cô Thu-Hằng, cô Giang và
anh Bình mang các thứ nước uống thuộc loại ‘cấm’ trẻ em dưới 21 tuổi để
mọi người ‘giải khát’. Chúng tôi cụng ly nói cười vui như Tết. Tết Trung thu
mà!
(...)
“... Khi tôi và Uyên-Sa rời sân giáo đường St. Bernadette, trăng tháng Chín
vằng vặc giữa bầu trời khuya không vẩn mây. Mùa Thu ở đây bắt đầu cựa
mình thức giấc. Phải sống hơn nửa đời người tôi mới hưởng một Trung thu
đầy ý nghĩa; dù ở xứ người không có trăng Đà Lạt hay trăng Sài Gòn.
Nhưng trăng Randolph đêm nay bất chợt làm mình nhớ quê nhà quá và yêu
thêm tuổi thơ Việt Nam ở xứ người.”
Bạn tôi viết “... Phải sống hơn nửa đời người tôi mới hưởng một Trung thu
đầy ý nghĩa...”