mà tôi gọi là những “con giấu” trong “bàn cỗ” sẽ đi về đâu? Tôi nghĩ, Tây
biết gì về cỗ Trung thu? Họa chăng có con “Vàng”, con “Vện” của gia đình
tôi, mới biết thưởng thức!
Tôi không biết bao lâu sau, chúng tôi được hồi cư. Ngơ ngác nhìn khu nhà
đổ nát, với những chiếc sân xi măng (vốn được mẹ tôi dùng để phơi lúa, ô
mai) tung tóe sách, báo. Những khoảng sân cháy nám, loang lổ như những
miếng da trâu, tôi gặp trên đường trở về! Chỉ biết, sau đấy, chị Oanh, người
chị dâu sớm góa bụa của tôi, xin mẹ tôi cho tôi và chị B.T. tôi ra Hà Nội ở
với chị.
Diễn biến này là một ngạc nhiên, bất ngờ lớn với tôi. Nhưng mẹ tôi thì
không. Đó là kế hoạch đã được bàn thảo, tính toán giữa chị Oanh và bà. Mẹ
tôi kể, sau khi anh Uyển tôi bị máy bay Pháp bắn chết trưa mồng Ba Tết,
năm 1951, ở Nho Quan, chị Oanh chôn anh tôi xong, trở về Kim Bảng,
sống với gia đình chồng. Chiến tranh khi ấy là đám mây đen khổng lồ,
không lúc nào rời khỏi phố huyện chúng tôi. Nhìn thấy nguy cơ, có ngày cả
gia đình chúng tôi sẽ không còn lấy một người, chị Oanh xin phép mẹ tôi
cho chị ra Hà Nội, trở lại nghề y tá, làm đầu cầu, đón tôi và chị B.T. tôi.
“Ông trời”, lối nói của mẹ tôi, đã lấy đi khỏi bà, nhiều đứa con, đồng thời
cũng bịt mắt, dắt đi mù mịt những đứa khác. Mẹ tôi không muốn xa thêm
hai đứa con nhỏ nhất, còn lại của bà. Nhưng, chiến tranh không có cửa cho
bà chọn lựa. Bà phải chấp nhận sống xa hai đứa con sau cùng của bà, để
còn hy vọng gặp lại! Hơn là chính bà hoặc ai đó, có ngày phải đưa chúng ra
khu nghĩa trang riêng của gia đình, đã không còn nhiều chỗ trống!!!
Những ngày ở nhờ trong căn nhà số 53 phố Phúc Kiến của người chị ruột
của chị Oanh, cũng không có một Trung thu nào cho tôi. Không Trung thu,
nhưng tôi lại... “thấy” Trung thu trong sân trường Tầu bên kia đường ngôi
nhà tôi ở tạm. Đó là buổi tối Trung thu Hà Nội. Những đứa nhỏ trạc tuổi tôi,
mặc đồng phục, đi quanh sân với những chiếc đèn mầu và, những ngọn nến
nhẩy nhót dưới tay chúng... Từ bên này đường thèm thuồng, ghen tị nhìn