Chuyển hóa tâm I
273
có lỗi vì những phút giây bực bội quá không kiềm chế được lời
ăn tiếng nói của mình. Con muốn nhờ Thầy tư vấn cho con làm
sao để con sớm được bình an sau sự sỉ nhục của sếp và những
người vào hùa với chị ấy, và từ giờ trở đi con phải làm gì để giữ
cho “khẩu” được “tịnh”. Con cảm ơn Thầy rất nhiều!
Bàng Thị Thu Cúc, TP. Hồ Chí Minh
Chuyện “nhỏ to tâm sự” của chị đã trở thành “lớn”, khi
nó được cái loa phóng thanh của đồng nghiệp mở với cường
độ làm cho mọi người trong cơ quan cùng biết. Từ đó, cơn
thịnh nộ của sếp đã làm cho chị phải mệt mỏi giải quyết các
hậu quả, mà bản thân chị không phải là tác nhân trực tiếp.
Với tư cách là người có trách nhiệm liên đới, đồng thời cũng
là người có liên hệ “bất đắc dĩ” đến nội dung, chị cần suy
ngẫm những điều sau đây:
Chia sẻ rắc rối với người có kinh nghiệm
“Ém nhẹm” nỗi đau đang khi mình không có đủ năng
lực để tự giải quyết là điều không thông minh. Phóng thích
nỗi đau là một nhu cầu, cũng như việc khai thông ống cống
để nước được chảy lưu thông tránh nghẹt cống và xua đuổi
mùi xú uế. Khi nỗi đau “thị phi” tấn công, điều may mắn là
chị đã không chia sẻ với người thân hay gia đình vì không
muốn họ phiền lòng vì những việc ngoài gia đình. Ứng xử
của chị trong tình huống vừa nêu là rất thích hợp. Vấn đề ở
đây không chỉ đơn thuần là “không muốn họ phiền lòng”, mà
còn ở chỗ không phải người thân nào, ngay cả cha mẹ hoặc
bạn đời cũng có khả năng giải quyết tình huống mà chị đang
mắc phải. Việc tham vấn trên chuyên mục này của Tạp chí
Mẹ&Bé được xem là kênh tham khảo hữu dụng mà chị có
thể sử dụng nhằm giải quyết các bất ổn, thậm chí là các tình
huống bế tắc của bản thân.