Dạy trẻ nên người I
29
GIÚP CON VƯỢT QUA KỲ THI ĐẠI HỌC
Bạch Thầy, hè này con trai lớn của con sẽ thi vào đại
học. Cả nhà con, thậm chí cả họ đều lo lắng cho cháu. Suốt
11 năm qua cháu đều đạt học sinh giỏi, và luôn đứng đầu
lớp, khối về môn tiếng Anh. Mọi người bảo con: “Học tài thi
phận, học giỏi thế mà chưa chắc đã đỗ đâu. Phải lo mà lễ bái
cho cháu thi cử đỗ đạt”. Nghe lời mọi người con rất siêng đi
lễ, ai mách chùa nào, đền nào, phủ nào là con đi hết. Con là
giáo viên nên giờ giấc cũng eo hẹp và ngặt nghèo, bây giờ mới
tháng 3 mà con đã nghỉ hết các ngày phép trong năm để đi lễ:
Vào Nam, ra Bắc, ai mách đâu là đi đấy. Con làm thế có đúng
không Thầy? Chồng con phản đối cực lực, anh ấy nói thi đỗ hay
trượt là do kiến thức và tâm lý của cháu chứ không phải cứ lễ
bái là thành công. Con mong Thầy chỉ bảo cho con.
Lâm Minh Anh, Vĩnh Phúc
Có bệnh thì vái tứ phương
Thái độ và cách chị quan tâm đến con trai chị cũng là
tâm lý phổ biến mà nhiều bậc làm cha mẹ thường vấp phải.
Thói quen “có bệnh thì vái tứ phương” không chỉ là hành
động chạy vạy khắp nơi để cầu may trong trị bệnh, mà còn
là một hiện tượng cầu nguyện phổ biến, mong mỏi mình và
người thân đạt được mọi việc như ý. Theo Phật giáo, “vái tứ
phương” là một thói quen mê tín, chỉ có tác dụng an ủi hoặc
trấn an tạm thời, không thể làm thay đổi bản chất của hiện
thực và do vậy không thể tạo ra kết quả như mong đợi. Hậu
quả xấu nhất của vái tứ phương là sự thất vọng do không đạt
được ý nguyện, dù đó là một thiện chí.