nhông, ông anh tôi mới có thể rỗi rãi chừng mười lăm phút để đến kể vội
vội vàng vàng cho tôi nghe về những điều mới lạ xảy ra ở thượng nguồn
sông Nil.
Lần thứ hai mọi người có mặt phá lên cười ầm ĩ, nhưng chàng sinh viên
Anselmus lại cảm thấy rợn người, không thể nhìn thẳng vào đôi mắt nghiêm
trang và bất động của Lindhorst mà lòng chàng, cũng không hiểu vì sao, lại
không hề thấy phấp phỏng âu lo. Nhất là cái giọng khàn khàn nhưng ngân
vang lạ lùng như âm thanh kim loại của Lindhorst đối với chàng có gì đó
đầy bí hiểm, khiến chàng cảm thấy run rẩy tay chân và xương tủy. Vậy là
mục đích thực sự mà viên lục sự Heerbrand dẫn chàng cùng đến tiệm cà phê
hình như hôm nay không thành công. Sau chuyện xảy ra trước nhà đổng lý
Lindhorst bữa trước, không ai khuyên nổi chàng đến đó một lần thứ hai
nữa. Trong thâm tâm chàng hoàn toàn tin rằng chỉ nhờ sự ngẫu nhiên mà
chàng mới thoát chết hoặc chí ít thoát khỏi mối nguy hiểm trở thành kẻ điên
dại. Hiệu phó Paulmann hôm ấy tình cờ đi qua đó thấy chàng nằm bất tỉnh
trước nhà Lindhorst và có một bà già đặt giỏ táo và bánh ngọt bên cạnh
đang quanh quẩn bên chàng. Lập tức Paulmann cho gọi xe chở ngay chàng
về nhà. “Người ta muốn nghĩ gì cũng mặc,” - Anselmus nói với mình, - “có
cho ta là một thằng điên hay không cũng chẳng sao - thế là đủ lắm rồi! Rõ
ràng là ở chỗ đập cửa ấy có cái mặt gớm ghiếc của mụ phù thủy nơi Cổng
Đen đã cười gằn nhìn ta; còn chuyện gì xảy ra sau đó ta chẳng muốn nói
nữa; nếu hôm ấy ta tỉnh lại và nhìn thấy mụ bán táo đáng nguyền rủa ở bên
cạnh thì ta đã ngất xỉu hoặc đã mất trí rồi!”. Mọi lời thuyết phục và khuyên
nhủ chân thành của hiệu phó Paulmann và viên lục sự Heerbrand đều không
kết quả, ngay cả Veronika mắt xanh cũng không kéo nổi chàng ra khỏi tâm
trạng sầu thảm mà chàng đã lâm vào. Thực tế là người ta coi chàng mắc
chứng bệnh tâm thần và tìm cách giải tỏa. Viên lục sự Heerbrand cho rằng
không có gì tốt hơn là giúp chàng được làm việc ở chỗ đổng lý Lindhorst,
nghĩa là sao chép các bản thảo. Vấn đề là ở chỗ làm sao giới thiệu được một
cách tốt đẹp nhất Anselmus với ông đổng lý Lindhorst. Vì biết Lindhorst
hầu như chiều nào cũng đến một quán cà phê quen thuộc của mình nên
Heerbrand mời chàng Anselmus chiều nào cũng đến đó, uống một cốc bia