Ngày thứ ba kể từ lúc tôi hồi tỉnh, người ta cáng vào phòng thêm một
bệnh nhân nữa và đặt lên giường đang bỏ trống. Tôi đã đỡ nhiều nên nằm
chăm chú nhìn người láng giềng mới. Đó là một người đàn ông đứng tuổi,
ngực băng kín, chắc là bị thương nặng. Thoạt tiên gã đã khiến tôi có cảm
tình ngay. Nét mặt phúc hậu, cặp mắt xanh thông minh, mái tóc vàng hoe,
đôi môi hơi se, nhìn ngoài trạc độ 45 tuổi. Nói chung gã cũng giống như
ngàn vạn con người lương thiện khác.
Vài giờ sau, hai sĩ quan Đức vận binh phục SS màu đen, khoác áo trắng
bước vào phòng. Một tên đeo lon thiếu tá, còn tên kia là trung úy. Chúng
liếc nhìn tôi và dừng lại bên giường bệnh nhân mới. Tên thiếu tá chào gã:
— Hai-lơ Hít-le!
Gã đáp lại bằng một giọng yếu ớt nhưng cố tỏ ra nhanh nhảu:
— Hai-lơ!
Chị hộ lý khiêng vào một chiếc bàn con có đủ bút, mực giấy và hai cái
ghế. Tên thiếu tá bắt đầu hỏi cung:
— Tên anh là gì?
Gã dõng dạc đáp theo tác phong quân sự :
— Phi-đrích Gát-ca.
Tên trung úy hý hoáy ghi chép. Tên thiếu tá lại hỏi :
— Ở Nga anh cũng mang tên ấy chứ?
— Không, trong hộ chiếu thì ghi là Phê-ca.
— Phê-đô Gát-ca?
— Vâng, đúng thế.
— Tôi rất hài lòng vì anh đã làm tròn bổn phận đối với quốc trưởng Đại
Đức quốc. Anh nói vất vả lắm phải không?
— Thưa không, tôi còn đủ sức và rất sẵn sàng...
Cuộc hỏi cung kéo dài suốt hai giờ liền. Qua lời khai, tôi biết Gát-ca là
một kiều dân Đức, cư trú ở vùng sông Vôn-ga, sinh trưởng tại vùng Sa-rép.
Gã đã tốt nghiệp trường sư phạm trung cấp và dạy học ở Sa-ra-tốp. Từ đó
gã luôn luôn tìm cách sang hàng bọn Đức. Trung đoàn Hồng quân vừa giao
chiến chưa được mấy chốc, gã thừa lúc tiếng súng tạm im, vứt vũ khí, chạy
sang phòng tuyến quân Đức. Bên Hồng quân liền nã súng theo tên phản