Lão cúi xuống nhìn vào mặt tôi hồi lâu và lấy ngón tay dài nghêu chạm
khẽ vào vai tôi.
— Ông Béc-din ạ, tôi còn đọc thấy trong đôi mắt ông một niềm luyến
tiếc đối với cuộc sống hiện tại - Lão nói như vậy rồi cất giọng đọc một câu
thơ bằng tiếng Anh của Sếch-xpia: "Kẻ hèn nhát phải chết nhiều lần, còn
người dũng cảm thì chỉ một lần thôi".
Tôi chẳng thèm để ý đến những lời nói bóng bẩy ấy vì còn mải theo đuổi
một mớ ý nghĩ rối như bòng bong mấy hôm nay.
Sau đó tên giáo sư bước sang phòng khác. Cả bọn lục tục kéo theo. Nằm
im một mình, tôi băn khoăn tự hỏi: Vì sao mình là An-đrây Ma-ca-rốp nay
lại mang tên Béc-din - một người Lét-tô-ni? Vì sao bọn thầy thuốc nói toàn
tiếng Đức? Tôi đang nằm ở đâu đây? Tại sao mụ đàn bà đã mưu sát tôi giờ
lại săn sóc tôi?... Hàng chục câu hỏi quay cuồng trong óc nhưng tôi không
tìm được một câu trả lời nào. Cuối cùng tôi kết luận: chắc là mình bị bắt
cóc. Phải, chỉ có phỏng đoán đó là đúng thôi vì một sĩ quan ở cương vị như
tôi tất biết được nhiều điều bí mật và cố nhiên là không thể không làm cho
Bộ tổng tham mưu các cường quốc chú ý. Vả lại bất cứ một cơ quan gián
điệp nào cũng có thể làm cái việc mạo hiểm và khinh xuất ấy. Mạo hiểm là
vì dám bắt cóc một sĩ quan Hồng quân ngay trên đất nước Liên Xô; khinh
suất là vì dám suy bụng ta ra bụng người: dám đánh giá con người xô-viết
bằng cái nhìn rất "tư bản".
Tuy không có chứng cớ chính xác, nhưng tôi vẫn cứ đinh ninh là mình
bị bắt cóc và hiện nằm ở nhà thương Đức.
Hàng ngày bọn hộ lý và y tá vào phòng tôi luôn. Khi thì mang thức ăn
đến, khi thì hỏi han bệnh tình. Phần lớn họ nói với tôi bằng tiếng Đức, một
số nói tiếng Lét-tô-ni. Nhưng vì nhớ lời dặn buổi sáng của ả đàn bà kia nên
tôi không trả lời mà chỉ gật đầu hay lắc đầu để đáp lại.
Trời xế chiều, ả lại vác mặt đến. Ả ngồi xuống cạnh giường vừa mỉm
cười vừa xoa tay tôi và thì thầm bằng tiếng Anh. Giá có kẻ nào nghe trộm
ngoài cửa cũng không làm sao hiểu được. Giọng ả dịu dàng nhưng cương
quyết :