mảnh để gã khỏi phun ra những bí mật quân sự của Hồng quân, nhưng than
ôi trong tay tôi lại không có lấy một mảnh cật nứa để rọc giấy nữa!
Bọn Giét-ta-pô ôm đến cho Gát-ca một chồng sách báo tiếng Đức. Gã
nhã nhặn mời tôi xem. Tờ báo nào cũng đều huênh hoang quảng cáo cho
cuộc hành binh "chẻ tre", "chớp nhoáng " của Hít-le về phía Đông, rêu rao
về việc chiếm lĩnh Mát-xcơ-va nay mai, về việc "làm cỏ" dân Liên Xô. Tôi
bĩu môi không tin những lời lếu láo đó, trái lại Gát-ca nở mặt nở mày đọc
say sưa từng dòng một.
Hết ngày thứ tư thì tên phi công phát xít thở hơi cuối cùng. Cái chết của
hắn đã cắt nghĩa cho tôi hiểu tại sao hôm nọ lão giáo sư kia lại giơ bốn
ngón tay ra. Lão già đã thay mặt thần chết định ngày hóa kiếp cho hắn và
hắn không sao cưỡng lại nổi.
Trong phòng chỉ còn có tôi và Gát-ca. Hằng ngày, ngoài giờ thăm bệnh,
thay băng, quét dọn và cơm nước, thỉnh thoảng y tá và hộ lý mới lui tới nên
thường rất vắng vẻ. Gát-ca nhiều lần định gợi chuyện với tôi nhưng tôi giả
vờ còn yếu không tiếp chuyện được. Thực ra, càng ngày tôi càng khỏe hơn
và cảm thấy đã đủ sức để xé xác cái tên ăn ở hai lòng kia ra.
Ngày nào bọn Giét-ta-pô cũng đến thăm Gát-ca và mỗi bận chúng lại
moi thêm được một tin tức mới. Dần dần những điều gã tích trữ được sắp
hết. Tên trung úy ghi chép ít hơn. Nhưng hình như giữa bọn này và Gát-ca
còn có dự định gì ngấm ngầm với nhau chưa nói toạc ra.
Một buổi chiều, An-cốp-xcai-a đến, lặng lẽ ngồi xuống cạnh tôi và theo
thói quen đăm đăm nhìn vào bức tường trước mặt. Tiếng ồn ào ngoài phố
vọng vào phòng. Gát-ca đang nằm thiêm thiếp. Ả ghé sát vào gần tai tôi,
hỏi bằng tiếng Anh :
— Đã bao giờ anh biết yêu thật sự chưa?
— Tất nhiên phải biết chứ. Có lý nào một người đàn ông đã ba mươi
tuổi đầu mà...
Ả vội ngắt lời :
— Không, đây tôi không có ý nói đến cái thứ tình yêu thông thường ấy.
Tôi muốn biết anh đã yêu người đàn bà nào đến nỗi quên hết trí khôn, danh
dự, lương tâm chưa?