DDT lần đầu được tổng hợp vào năm 1874. Đến tận năm 1942, khả năng
diệt trừ sâu bọ của phân tử này mới được phát hiện, khi nó được sử dụng
trong Chiến tranh Thế giới II dưới dạng bột diệt chấy rận nhằm chặn đứng
sự lây lan của bệnh sốt phát ban và diệt ấu trùng muỗi mang bệnh. Những
“quả bom sâu bọ”, làm từ những bình sol khí nạp đầy DDT, đã được quân
đội Mỹ sử dụng rộng rãi tại Nam Thái Bình Dương. Việc này là một đòn
kép đau đớn giáng vào môi trường, một lượng lớn CFC được thải ra cùng
với những đám mây DDT.
Thậm chí trước năm 1970, thời điểm ước tính có đến ba triệu tấn DDT
đã được sản xuất và sử dụng, những mối lo về ảnh hưởng của hóa chất này
lên môi trường và việc côn trùng có thể tự phát triển khả năng kháng lại
DDT đã xuất hiện. Ảnh hưởng của DDT lên đời sống hoang dã, đặc biệt là
các loài chim săn mồi ở đỉnh chuỗi thức ăn như đại bàng, diều hâu, chim
ưng, không trực tiếp do DDT mà do sản phẩm phân hủy của nó gây ra. Cả
DDT và các sản phẩm phân hủy từ nó đều là những hợp chất tan trong mỡ
và tích tụ trong mô cơ động vật. Tuy nhiên, trong cơ thể các loài chim, sản
phẩm phân hủy này ngăn chặn sự tạo thành enzyme có chức năng cung cấp
calci cho vỏ trứng. Vì vậy chim bị nhiễm DDT sẽ đẻ trứng có vỏ rất mỏng
và thường sẽ bị vỡ trước khi nở. Từ những năm cuối thập niên 1940, sự sụt
giảm số lượng đại bàng, diều hâu, và chim ưng đã được ghi nhận. Những
yếu tố gây nhiễu loạn sự cân bằng giữa số lượng các côn trùng có ích và có
hại, được mô tả trong cuốn sách Mùa xuân yên lặng (Silent Spring) năm