Dưới tác dụng của nhiều yếu tố - hệ thống y tế cộng đồng được nâng cấp,
nhà ở tốt hơn, ít người sống ở vùng nông thôn, các khu vực tù đọng được
dọn dẹp thông thoáng, và các loại thuốc chống sốt rét được cung cấp rộng
rãi - tỷ lệ nhiễm sốt rét đã giảm rất mạnh ở các khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ
vào những năm đầu thế kỷ 20. Và DDT là công đoạn cuối cùng cần thiết để
xóa sổ ký sinh trùng sốt rét tại các nước phát triển. Vào năm 1955, Tổ chức
Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định triển khai một chiến dịch vô cùng lớn,
sử dụng DDT để xóa sổ sốt rét tại các khu vực khác trên thế giới.
Khi chương trình phun DDT bắt đầu triển khai, khoảng 1,8 tỷ người
đang sống trong vùng sốt rét. Đến năm 1969, sốt rét đã bị xóa sổ cho
khoảng 40% số người này. Tại một số quốc gia, kết quả của chương trình
DDT vô cùng ấn tượng: năm 1947, Hy Lạp có khoảng hai triệu ca sốt rét,
đến năm 1972, con số này chỉ còn là bảy. Nếu có một phân tử hóa học nào
có thể được cho là đã khiến Hy Lạp ưở thành một quốc gia phồn thịnh về
kinh tế trong khoảng hơn hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20, phân tử đó chắc
chắn phải là DDT. Trước khi chương trình phun DDT bắt đầu ở Ấn Độ, vào
năm 1953, ước tính nước này có khoảng 75 triệu ca nhiễm sốt rét mỗi năm;
đến năm 1968, chỉ còn khoảng 300.000 ca. Các kết quả tương tự đã được
công bố tại các quốc gia trên khắp thế giới. Vì vậy không có gì ngạc nhiên
khi DDT được ca ngợi là một phân tử vô cùng kỳ diệu. Năm 1975, WHO
tuyên bố rằng châu Âu đã hoàn toàn thoát khỏi bệnh sốt rét.