Thậm chí sau khi chế độ nô lệ bị xóa bỏ, sự khao khát đối với đường vẫn
gây tác động đến những cuộc di dân trên toàn thế giới. Cuối thế kỷ 19, một
lượng lớn nhân công hợp đồng từ Ấn Độ đã đến quần đảo Fiji để làm việc
trong các đồn điền mía. Kết quả là, thành phần dân tộc trên quần đảo ở
Thái Bình Dương này đã thay đổi hoàn toàn, những người Melanesia bản
địa không còn chiếm đa số nữa. Sau ba cuộc đảo chính trong thời gian gần
đây, Fiji vẫn là một đảo quốc đầy bất ổn về chính trị và sắc tộc. Thành phần
sắc tộc của các vùng đất nhiệt đới khác cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ
đường. Tổ tiên của tộc người hiện chiếm đa số trên quần đảo Hawaii là
những người dân di cư từ Nhật Bản đến làm việc tại các đồn điền trồng mía
trên đảo từ xưa.
Đường vẫn đang tiếp tục góp phần định hình xã hội loài người. Nó là
một mặt hàng thương mại quan trọng; sự thất thường của thời tiết và sự phá
hoại của sâu bọ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế của các quốc gia trồng
mía và thị trường chứng khoán toàn thế giới. Giá đường tăng tạo nên sự
ảnh hưởng liên đới tới ngành công nghiệp thực phẩm. Đường cũng đã từng
được sử dụng như một công cụ chính trị; trong nhiều thập kỷ, việc bán
đường cho Liên Xô đã hỗ trợ cho nền kinh tế của đất nước Cuba thời Fidel
Castro.
Trong đồ ăn và thức uống của chúng ta có sự hiện diện của rất nhiều
đường. Con cháu chúng ta thích ăn đồ ngọt. Chúng ta cũng thường hay mời
khách các món ăn ngọt để biểu lộ lòng hiếu khách thay vì chỉ một lát bánh
mì đơn giản. Những món ăn tẩm đường và bánh kẹo đã trở thành những
phần không thể thiếu trong các lễ hội và các dịp kỷ niệm trong nhiều nền
văn hóa trên toàn thế giới. Mức độ sử dụng phân tử glucose và các đồng
phân của nó ngày càng tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước đây, và được
phản ánh qua những vấn đề về sức khỏe như béo phì, tiểu đường, sâu răng.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta tiếp tục bị chi phối bởi phân tử đường
nhỏ bé.