– kết tinh của hàng triệu giờ nghiên cứu. Mọi người không hẳn là mệt mỏi
với việc tìm kiếm nguyên tố mới, dù nó đã gây ra tranh cãi giữa giới khoa
học Mỹ và Liên Xô trong gần suốt Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, bản chất
và tầm vóc của khoa học hạt nhân đã thay đổi. Con người đã thấy đủ các
nguyên tố nên một nguyên tố tầm trung như prometi không còn gây phấn
khích như các nguyên tố nặng plutoni và urani, chứ chưa kể đến hậu duệ nổi
tiếng của chúng: bom nguyên tử.
Một buổi sáng năm 1939, một nhà vật lý trẻ tại Đại học California ở
Berkeley tới hội sinh viên để cắt tóc. Chẳng ai nhớ nổi chủ đề cuộc trò
chuyện ngày đó nữa: có thể là về “tên khốn Hitler” hay liệu đội bóng chày
Yankees có thể giành chức vô địch giải World Series tới lần thứ tư liên tiếp
không. Dù sao đi nữa, anh chàng Luis Alvarez (vẫn chưa nổi tiếng với lý
thuyết về sự tuyệt chủng của khủng long) đã tình cờ đọc được tin về các thí
nghiệm phản ứng phân hạch urani của Otto Hahn ở Đức trong khi đang vừa
tán gẫu vừa lật đi lật lại tờ Thời báo San Francisco. Một người bạn hồi
tưởng: Alvarez đã ngăn người thợ lại khi vừa chạm kéo, giật phăng khăn
choàng và tức tốc lao đến phòng thí nghiệm. Anh lấy một máy đếm Geiger
và đi tìm một số mẫu urani.
Mặc cho mái tóc đang cắt dở dang, anh hét lên gọi mọi người tới xem điều
mà Hahn đã phát hiện ra.
Không chỉ hài hước mà sự hăm hở của Alvarez còn tượng trưng cho tình
trạng vật lý hạt nhân thời bấy giờ. Quá trình tìm hiểu về cách thức hoạt động
của hạt nhân nguyên tử trong giới khoa học diễn ra ổn định nhưng mà chậm.
Những mẩu kiến thức nhỏ rải rác đó đây, rồi chỉ với một khám phá, họ cũng
thành công đến bất ngờ.
Moseley đã mang đến cho ngành nguyên tử và hạt nhân chỗ đặt chân hợp lý,
và vô số tài năng đã tham gia hai lĩnh vực này trong những năm 1920. Tuy
nhiên, sự phát triển của ngành này lại khó khăn hơn dự kiến. Điều khó hiểu
là hiện tượng đó lại do chính Moseley gián tiếp gây ra. Công trình của ông