đạo của Phòng thí nghiệm Berkeley đã vào cuộc. Sau khi lục tung các tệp dữ
liệu gốc về nguyên tố thứ 118, tất cả mới ngã ngửa: chẳng có số liệu nào cả.
Từ đầu vốn không hề có bằng chứng nào về nguyên tố 118, nó chỉ “bất thần
nhảy ra” từ đống nhiễu loạn 1 và 0 ở vòng phân tích dữ liệu cuối. Không còn
nghi ngờ gì nữa, Victor Ninov – người đã điều khiển các máy dò bức xạ cực
kỳ quan trọng và phần mềm máy tính điều khiển chúng – đã làm giả số liệu.
Đó là nguy cơ không thể lường trước của cách tiếp cận đặc thù này: khi các
nguyên tố chỉ tồn tại trên máy tính, người nắm quyền điều khiển máy tính sẽ
dễ dàng đánh lừa cả thế giới.
Bị mất mặt, Phòng thí nghiệm Berkeley đành rút lại tuyên bố về nguyên tố
thứ 118. Ninov bị sa thải, còn Berkeley bị cắt giảm ngân sách đáng kể và
suy yếu. Đến tận ngày nay, Ninov vẫn không thừa nhận rằng mình đã giả
mạo dữ liệu, dù chính Trung tâm nghiên cứu ion nặng ở Darmstadt, Đức mà
Ninov từng làm việc cũng rút lại một số (dù không phải là tất cả) các phát
hiện của ông sau khi họ xem lại dữ liệu cũ. Các nhà khoa học Mỹ từ đó buộc
phải tới Dubna để nghiên cứu các nguyên tố nặng. Và chính ở đó, một nhóm
nghiên cứu quốc tế tuyên bố rằng họ đã tìm ra nguyên tố thứ 118 vào năm
2006. Sau khi bắn 10 tỷ tỷ nguyên tử canxi vào bia làm bằng (ặc!) californi,
họ đã tạo ra được ba nguyên tử của nguyên tố 118. Tất nhiên quyền đặt tên
cho nguyên tố 118 vẫn đang bị tranh chấp. Nhưng nếu cái tên được công
nhận – và cũng chẳng có lý do gì để không công nhận – thì khám phá này sẽ
xóa sạch mọi cơ hội xuất hiện trên bảng tuần hoàn của “ghiorsi”. Quyền đặt
tên đang nằm trong tay người Nga vì nó được tìm thấy trong phòng thí
nghiệm của họ. Và họ đang cân nhắc cái tên “flyori”
1
.
1
. Ngày 28/11/2016, IUPAC chính thức đặt tên nguyên tố 118 là Oganesson,
ký hiệu hóa học Og. Cái tên này nhằm vinh danh nhà vật lý hạt nhân người
Nga Yuri Oganessian. (BTV)