Chương 8
Từ vật lý đến sinh học
Glenn Seaborg và Al Ghiorso đã đưa việc săn lùng các nguyên tố chưa biết
lên một cấp độ mới tinh vi hơn. Nhưng không phải chỉ mình họ ghi dấu vào
những vùng đất mới trên bảng tuần hoàn. Trên thực tế, khi tạp chí Time trao
danh hiệu “Nhân vật của năm” cho 15 nhà khoa học Mỹ vào năm 1960, họ
không chọn Seaborg hay Ghiorso để vinh danh, mà là “nghệ nhân nguyên
tố” vĩ đại nhất của thời đại trước. Ông là người tìm ra nguyên tố khó nắm
bắt nhất trên bảng tuần hoàn khi mà Seaborg còn đang học sau đại học:
Emilio Segrè.
Để thể hiện sự tân tiến, người ta đã thiết kế bìa của cuốn tạp chí với một hạt
nhân nguyên tử nhỏ màu đỏ bị “bao vây” bởi 15 tấm chân dung khô cứng và
nghiêm trang giống như ảnh của các giáo viên đã từng khiến ta bật cười
khúc khích khi lật xem cuốn kỷ yếu của trường. Đội hình này gồm các nhà
di truyền học, thiên văn học, nghiên cứu ung thư, tiên phong về laser và còn
có cả William Shockley. Nhà khoa học transistor kiêm ưu sinh học tương lai
xấu tính này diễn giải về thuyết thượng đẳng chủng tộc của mình ngay trong
số báo ấy. Dù giống như ảnh kỷ yếu, nhưng đó lại là những tên tuổi lừng lẫy
mà Time bầu chọn nhằm phản ánh sự vượt trội của nền khoa học Mỹ. Tới
năm 1940 (bốn thập kỷ đầu tiên của giải Nobel), giới khoa học Mỹ đã giành
15 giải. Trong hai thập kỷ sau đó, họ có được 42 giải.*
Ở tuổi 55, Segrè là một trong những “lão làng” của 15 nhà khoa học được
vinh danh. Ông là người Do Thái nhập cư, và điều này phản ánh tầm quan
trọng của cộng đồng tị nạn trong Thế Chiến II đối với sự thống trị khoa học
bất ngờ của Mỹ. Ông xuất hiện ở phía trên bên trái của một nhà khoa học