Chương 14
Những nguyên tố nghệ thuật
Khi khoa học ngày càng trở nên phức tạp, các chi phí đi kèm cũng sẽ tăng
theo. Từ đó, tiền, rất nhiều tiền bắt đầu quyết định cách thức, thời điểm cũng
như sự tồn vong của lĩnh vực này. Ngay từ năm 1956, tiểu thuyết gia người
Anh gốc Đức Sybille Bedford đã chiêm nghiệm được rằng* thời điểm “con
người có thể dễ dàng nắm bắt các quy luật của vũ trụ trong nhà xưởng được
dựng sau chuồng ngựa” đã trôi qua từ rất lâu.
Tất nhiên rất ít người – chủ yếu là các quý ông giàu có – đủ khả năng xây
dựng một nhà xưởng nhỏ để nghiên cứu khoa học trong thế kỷ 18 và 19 mà
Bedford nhắc đến. Chắc chắn không phải là sự trùng hợp khi những người
khám phá ra các nguyên tố mới thường thuộc tầng lớp quý tộc, vì chẳng ai
ngoài họ đủ rảnh để ngồi một chỗ tranh luận về thành phần tạo nên những
tảng đá cả.
Bạn có thể dễ dàng nhận ra dấu ấn của tầng lớp quý tộc lưu lại trên bảng
tuần hoàn mà không cần có kiến thức về hóa học. Tầng lớp quý tộc châu Âu
đều nhận được nền giáo dục nặng gốc Hy Lạp – La Mã, và tên của các
nguyên tố như ceri, thori, prometi đều bắt nguồn từ các huyền thoại cổ xưa.
Những cái tên thực sự ngộ cũng vậy: praseodymi, molypden và dysprosi là
sự pha trộn của tiếng Latin và tiếng Hy Lạp. Dysprosi nghĩa là “nguyên tố
nhỏ ẩn dật”, do việc tách nó ra khỏi các nguyên tố anh em không hề dễ.
Praseodymi nghĩa là “người anh màu lục” vì những lý do tương tự (nửa còn
lại là neodymi, nghĩa là “người em mới mẻ”). Đa số tên của các loại khí trơ
nghĩa là “người lạ” hoặc “không hoạt động”. Ngay cả những người Pháp
kiêu hãnh đến tận những năm 1880 cũng không chọn “France” (nước Pháp)