khoảng 100 đô la Mỹ tới khoảng 400 đô la Mỹ thời nay). Hơn nữa, hộp mực
và ngòi ruteni bền cũng có nghĩa là chẳng ai phải thay bút cả.
Ngay cả Moholy-Nagy cũng phải trầm trồ về Parker 51 (mặc dù sẽ thấy đau
khổ khi thấy lý thuyết của mình lại được áp dụng vào mục đích marketing lộ
liễu). Sự cân bằng, vẻ ngoài, khả năng tiết mực láng mịn như kem của nó đã
khiến Moholy-Nagy ngất ngây; ông từng nói nó là một thiết kế hoàn hảo.
Ông thậm chí còn cố vấn cho công ty Parker từ năm 1944. Có tin đồn suốt
nhiều thập kỷ rằng Moholy-Nagy chính là người đã thiết kế mẫu bút này.
Công ty Parker tiếp tục bán nhiều phiên bản khác nhau của mẫu này cho đến
năm 1972. Và dù đắt gấp đôi mẫu bút có giá đứng thứ hai, nó bán chạy hơn
mọi cây bút từng xuất hiện cho đến lúc bấy giờ, thu về 400 triệu đô la Mỹ
doanh thu (tương đương vài tỷ đô la Mỹ ngày nay).
Không lâu sau khi Parker 51 “quy ẩn”, thị trường bút cao cấp bắt đầu teo lại.
Lý do khá hiển nhiên: dù Parker 51 được chi tiền phát triển mạnh tay để
vượt trội hơn các cây bút khác, bút mực vẫn dần bị “lỗi thời cưỡng bức” khi
máy chữ xuất hiện. Nhưng có một câu chuyện châm biếm trong “vụ chuyển
giao” đó: với sự góp mặt của văn hào Mark Twain và vẫn liên quan tới bảng
tuần hoàn.
Sau khi nhìn thấy một mẫu máy chữ vào năm 1874, Twain đã lập tức mua
một cái với giá cực đắt: 125 đô la Mỹ (tương đương 2.400 đô la Mỹ ngày
nay), bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu. Chỉ trong một tuần, ông đã bắt đầu
dùng nó để viết thư (máy chỉ viết được chữ hoa, không viết được chữ
thường) về việc ông mong tống khứ nó đi như thế nào: “QUÁ MỆT ĐẦU”,
ông than thở. Đôi khi khó mà phân biệt được những lời phàn nàn thực sự với
tính cách cấm cảu của ông, nên có thể ông đang nói quá. Nhưng đến năm
1875, ông đã đem cho chiếc máy chữ ấy và mua hai cây bút máy mới, rồi
giới thiệu chúng cho bạn mình. Sự đam mê của ông với những cây bút đắt
tiền không bao giờ giảm, ngay cả khi “phải vừa viết vừa chửi thì nó mới ra
mực”. Rõ là chúng không phải Parker 51.