Tuy nhiên, chính Twain lại đóng góp cho chiến thắng chung cuộc của máy
chữ trước bút cao cấp nhiều hơn bất cứ ai. Ông gửi Life on the Mississippi
(Cuộc sống trên sông Mississippi) – bản thảo đánh máy đầu tiên – cho một
nhà xuất bản vào năm 1883. (Nó được đọc cho thư ký đánh máy chứ không
phải Twain.) Và khi công ty máy chữ Remington đề nghị ông đưa ra lời
chứng thực cho máy của họ (bởi Twain đã phải miễn cưỡng mua một chiếc
máy khác), ông đã gửi một lá thư từ chối cộc lốc. Remington vẫn cho in bức
thư này.* Chỉ riêng việc Twain – người nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc bấy giờ – có
chiếc máy đã là một lời bảo chứng tuyệt vời rồi.
Những câu chuyện về việc nguyền rủa những cây bút mình yêu và dùng máy
đánh chữ mình ghét đã khắc họa sự mâu thuẫn trong Twain. Dù ông là sự
tương phản với Goethe về mặt văn chương, nhưng cả hai người đều có sự
mâu thuẫn khi nói về công nghệ. Twain không có mong ước thực hành khoa
học, nhưng cả ông và Goethe đều bị khoa học cuốn hút. Đồng thời, họ nghi
ngờ loài Homo sapiens liệu có đủ thông minh để sử dụng công nghệ đúng
cách. Goethe thể hiện nghi ngờ này trong Faust. Còn Twain đã viết ra những
điều mà ngày nay ta xếp vào khoa học viễn tưởng. Thật đó. Trái ngược với
những cuốn tiểu thuyết du hành trên thuyền thuở thiếu thời của mình, ông đã
viết những truyện ngắn về các phát minh, công nghệ, những vùng đất phản
địa đàng và du hành không-thời gian. Thậm chí, câu chuyện gây sửng sốt
Sold to Satan (Bán linh hồn cho Satan) còn nói tới những hiểm họa của bảng
tuần hoàn.
Bối cảnh của câu chuyện dài 2.000 từ này bắt đầu vào khoảng năm 1904,
ngay sau tình huống vỡ bong bóng cổ phiếu thép giả định. Vì đã chán ngấy
việc sục sạo kiếm tiền nên nhân vật chính quyết định bán linh hồn bất tử của
mình cho Satan. Nhằm thương lượng và chốt được hợp đồng này, anh và
Satan gặp nhau trong một cái hang vào lúc nửa đêm, uống một chút rượu
toddy và thảo luận về mức giá bèo bọt cho những linh hồn. Nhưng chẳng
mấy chốc, anh bất giác thất kinh khi nhận ra rằng cơ thể Satan hoàn toàn
làm bằng radi.