thèm khát tên lửa hạt nhân thay vì coi nó là một nguồn năng lượng dồi dào.
Không giống như Goethe thường lấn sân sang những ngành hóc búa, chúng
ta vẫn có thể dễ dàng đọc hiểu các tác phẩm khoa học của Twain nếu được
hướng dẫn.
Những nguyên tố thuộc phần dưới của bảng tuần hoàn đã khiến Twain thất
vọng. Nhưng trong tất cả các câu chuyện về các nghệ sĩ và nguyên tố hóa
học, không có gì buồn và khắc nghiệt hơn cuộc phiêu lưu của nhà thơ
Robert Lowell với một nguyên tố nằm ở đầu bảng tuần hoàn: liti.
Khi còn học tại một trường dự bị đại học vào đầu những năm 1930, bạn bè
đã đặt biệt danh cho Lowell là “Cal” trong Caliban – nhân vật xấu xa tột
cùng trong vở kịch The Tempest (Tạm dịch: Bão tố). Nhiều người khác lại
cho rằng biệt danh đó được đặt theo tên bạo chúa Caligula. Dù gì đi nữa, cái
tên này phù hợp với người thi sĩ tự bạch có chung đặc điểm với các nghệ sĩ
điên khùng – như Van Gogh hay Edgar Allan Poe – có tài năng xuất chúng
tuôn ra từ những cõi riêng trong tâm thức mà hầu hết chúng ta còn không
hiểu được, chứ đừng nói là khai thác để làm nghệ thuật. Không may là
Lowell không thể giữ cho sự điên rồ chỉ ở trong những bài thơ, mà đổ cho
nó vương vãi ra đời thường. Có lần ông xuất hiện ở cửa nhà một người bạn,
lắp bắp nói với niềm tin rằng mình chính là Đức Mẹ Maria. Một lần khác, tại
Bloomington (bang Indiana), ông tin mình có thể dừng xe chạy trên cao tốc
chỉ bằng cách dang tay ra như Chúa Jesus. Trong các lớp mình dạy, ông đã
lãng phí hàng giờ để lảm nhảm và viết lại những bài thơ của từng học sinh
lúng túng theo phong cách Tennyson hoặc Milton lỗi thời. Khi 19 tuổi, ông
bỏ rơi vị hôn thê và lái xe từ Boston đến một ngôi nhà nông thôn ở
Tennessee để gặp nhà thơ mà Lowell hy vọng sẽ cố vấn cho mình. Ông nghĩ
người đó sẽ cho mình ở nhờ. Nhà thơ ấy ân cần giải thích rằng nhà ông
không còn phòng trống, và đùa rằng Lowell sẽ phải cắm trại trên bãi cỏ nếu
muốn ở lại. Lowell gật đầu và rời đi. Ông đến Sears mua một cái lều con và
quay lại dựng lều trên bãi cỏ.