này. Một lần nữa, không như ba trường hợp ảo tưởng ở trên, ông bác bỏ mọi
tác động thoáng qua hoặc thất thường, mọi yếu tố được coi là chủ quan. Ông
chỉ tìm kiếm kết quả khách quan: như các tấm kính ảnh. Sau khi tự tin hơn
một chút, một chiều nọ, ông đưa Bertha vào phòng thí nghiệm và chiếu tia X
lên tay vợ. Bà đã hoảng hốt khi nhìn thấy xương của mình, nghĩ rằng đó là
điềm báo tử. Bà từ chối quay lại phòng thí nghiệm “bị ma ám” của ông,
nhưng phản ứng của bà đã giúp Röntgen trút bỏ được gánh nặng trong lòng.
Có lẽ đây sẽ là hành động yêu thương lớn nhất mà bà Bertha làm cho ông, vì
điều này chứng minh rằng ông không hề tưởng tượng ra mọi thứ.
Sau đó, Röntgen rời phòng thí nghiệm với vẻ hốc hác và thông báo cho các
đồng nghiệp trên khắp châu Âu về “tia röntgen”. Và tất nhiên là họ nghi ngờ
ông như nghi ngờ Thuật thông linh của Crookes, hay những nhà khoa học
sau này sẽ bác bỏ ý tưởng cho rằng megalodon còn sống và phản ứng hợp
hạch lạnh vậy. Nhưng Röntgen rất kiên nhẫn và khiêm tốn: mỗi khi có người
phản đối, ông đáp trả rằng mình đã kiểm tra khả năng đó, cho đến khi không
còn ai phản đối nữa. Đây là ngoại lệ hiếm hoi bên cạnh những câu chuyện
thường có kết cục không mấy tốt đẹp của khoa học ảo tưởng.
Các nhà khoa học rất khắt khe với những ý tưởng mới. Bạn có thể tưởng
tượng ra họ đang thắc mắc: “Chùm tia bí ẩn vô hình nào lại có thể xuyên
qua giấy đen và chụp được xương trong cơ thể ông vậy, Wilhelm?”