tồn tại đủ lâu trong không khí để nhảy đến tận tấm kính ảnh hay tờ giấy. Sau
này, ông thừa nhận từng nghĩ rằng mình bị ảo giác: chùm tia rõ ràng phát ra
từ ống, nhưng ông không biết thứ gì có thể xuyên qua tờ giấy đen bọc quanh
ống.
Vì vậy, Röntgen đã dựng lên một tấm chắn phủ muối bari và đặt một cuốn
sách gần ống để chặn chùm tia. Trước sự thất kinh của ông, hình viền của
chiếc chìa khóa đang đánh dấu trang xuất hiện trên tấm chắn. Có vẻ ông đã
nhìn xuyên qua vật. Ông thử đặt đồ vật vào các hộp gỗ kín nhưng vẫn nhìn
thấy vật trong hộp. Nhưng khoảnh khắc đáng sợ nhất là khi ông cầm một
thanh kim loại và nhìn thấy xương bàn tay của chính mình. Đến lúc ấy,
Röntgen không cho đó là ảo giác nữa mà nghĩ mình đã phát điên rồi.
Ngày nay, ta hẳn sẽ bật cười khi thấy ông quá tỉ mỉ trong quá trình phát hiện
ra tia X, nhưng hãy bàn đến thái độ đáng lưu ý của ông. Thay vì vội vã kết
luận rằng mình đã phát hiện ra một điều hoàn toàn mới, Röntgen cho rằng
ông đã phạm sai lầm ở đâu đó. Xấu hổ và quyết tâm tìm ra sai lầm ấy, ông
nhốt mình trong phòng thí nghiệm suốt bảy tuần. Ông cho các trợ lý nghỉ,
chỉ dùng bữa cho có và càu nhàu còn nhiều hơn trò chuyện với gia đình.
Không giống như Crookes, đám người mê megalodon hay Pons và
Fleischmann, Röntgen đã miệt mài làm việc để phát hiện của mình phù hợp
với nền vật lý đã biết. Ông không muốn tạo ra một cuộc cách mạng.
Trớ trêu thay, dù đã làm mọi thứ để tránh khoa học ảo tưởng, các ghi chép
của Röntgen cho thấy ông không thể rũ bỏ được suy nghĩ rằng mình đã phát
điên. Hơn nữa, việc luôn lẩm bẩm kèm tính khí thất thường cũng khiến
người khác nghi ngờ sự tỉnh táo của ông. Ông nói đùa với vợ là Bertha rằng:
“Việc tôi đang làm sẽ khiến mọi người phải thốt lên ‘Thằng cha Röntgen
phát điên rồi!’” Khi đó ông đã tới tuổi ngũ tuần, và vợ ông hẳn cũng tin ít
nhiều.
Tuy nhiên, ống Crookes vẫn thắp sáng các tấm có muối bari, bất kể ông
không muốn tin thế nào đi nữa. Vì vậy, Röntgen bắt đầu ghi lại hiện tượng