Dự đoán tạm coi là có cơ sở đầu tiên cho tuổi Trái Đất được đưa ra năm
1650, khi tổng giám mục người Ireland James Ussher sử dụng các “dữ liệu”
như danh sách dòng dõi trong Kinh thánh (“... Serug sống 30 năm và sinh ra
Nahor… Nahor sống 29 năm và sinh ra Terah,”...) để tính toán rằng Chúa đã
tạo ra Trái Đất vào ngày 23 tháng 10 năm 4004 TCN. Ussher đã làm tốt nhất
có thể với các “bằng chứng” ông có, nhưng chỉ vài thập kỷ sau, hầu hết lĩnh
vực khoa học đã chứng minh con số mà ông đưa ra nhỏ đến nực cười. Các
nhà vật lý còn xác định con số “chính xác” bằng cách sử dụng các phương
trình nhiệt động lực học. Giống như cà phê nóng nguội dần trong tủ đông,
các nhà vật lý biết rằng Trái Đất liên tục mất nhiệt vào không gian lạnh lẽo.
Bằng cách đo tốc độ mất nhiệt và ngoại suy ngược lại thời điểm mọi tảng đá
trên Trái Đất đều nóng chảy, họ có thể ước tính thời điểm Trái Đất hình
thành. Nhà khoa học hàng đầu của thế kỷ 19 là William Thomson (Huân
tước Kelvin) đã dành hàng thập kỷ cho vấn đề này. Và vào cuối thế kỷ 19,
ông đã tuyên bố rằng Trái Đất được sinh ra từ 20 triệu năm trước.
Đó là một chiến thắng về suy luận của con người, và... cũng không đúng hơn
dự đoán của Ussher là bao. Đến năm 1900, Rutherford và nhiều người khác
nhận ra rằng dẫu cho vật lý có vượt xa các ngành khoa học khác bao nhiêu
về uy tín và sự quyến rũ (bản thân Rutherford rất thích nói: “Chỉ có vật lý
mới là khoa học, tất cả những thứ khác chỉ như sưu tầm tem mà thôi” – ông
đã phải nuốt lại những lời này khi nhận giải Nobel Hóa học sau đó), thì
trong trường hợp này, vật lý cũng vẫn chưa đủ. Charles Darwin đã có lập
luận thuyết phục rằng con người không thể tiến hóa từ vi khuẩn vô tri chỉ
trong 20 triệu năm; và những người ủng hộ nhà địa chất Scotland James
Hutton lập luận rằng không có ngọn núi hay hẻm núi nào hình thành được
trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Nhưng không ai bác bỏ được
những tính toán to lớn của William Thomson cho đến khi Rutherford bắt đầu
thăm dò những tảng đá chứa urani để tìm bong bóng khí heli.
Bên trong một số loại đá nhất định, nguyên tử urani (nguyên tố thứ 92) phát
ra hạt alpha (có hai proton) và biến đổi thành thori (nguyên tố thứ 90). Thori